(CLO) Một số nhà đầu tư bất động sản nhận định, đấu giá đất vẫn sẽ “hot” trong năm 2025, nhưng các nhà đầu tư có thể đưa ra mức giá kiềm chế hơn so với trước.
Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội dự kiến tổ chức hàng loạt phiên đấu giá đất
UBND Hà Nội vừa ban hành quyết định giao hơn 20.000 m2 đất tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa cho UBND huyện Ứng Hòa để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo UBND Hà Nội, trong tổng 20.671 m2 đất được giao, có 6.028,9 m2 đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất, còn lại 14.642,2 m2 đất giao thông, cây xanh.
UBND Hà Nội giao UBND huyện Ứng Hòa liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định số tiền phải nộp và thực hiện thủ tục bàn giao đất tại thực địa theo quy định. Đồng thời, tổ chức thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo dự án đầu tư được phê duyệt đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu vực.
Ngoài ra, UBND huyện Ứng Hòa lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất và tổ chức đấu giá theo quy định.
Trước đó không lâu, UBND Hà Nội có Quyết định 144 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Hoài Đức. Trong Quyết định này, huyện Hoài Đức dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 11 dự án.
Ví dụ như tại Khu X1, xã Vân Canh; vị trí X1 khu Khóm Dâu và Đồng Cốc thuộc xã Sơn Đồng; hoặc khu X2 Đồng Sành thuộc xã Kim Chung; vị trí X2 xã An Thượng;….
Ngoài Ứng Hòa và Hoài Đức, một huyện khác của Hà Nội là huyện Thanh Oai dự kiến tổ chức nhiều phiên đấu giá đất trong năm 2025. Huyện Thanh Oai cũng là địa phương được giao nhiều đất để đấu giá nhất.
Tại Quyết định 136 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Thanh Oai, huyện này có 29 dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
Đơn cử, tại thị trấn Kim Bài có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất ô đất ký hiệu 02.1 và 02.2 thuộc xứ đồng Đìa Đạm (thôn Cát Động); xây dựng nhà ở để bán tại khu đấu giá quyền sử dụng đất K3.
Tại xã Tam Hưng có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất các khu Xim Dưới; khu Cưng Trong (thôn Đại Định). Tại xã Dân Hòa có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất các khu Đìa Trạm Xác; khu Đồng Dầu (thôn Thế Hiển).
Tại xã Đỗ Động có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất các khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong (thôn Văn Quán); khu Điền Thanh (thôn Cự Thần).
Đất đấu giá có còn “hot” trong năm 2025?
Năm 2024 được coi là năm “bùng nổ” của các phiên đấu giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Hầu hết, giá đất tại các phiên đấu giá bị đẩy lên rất cao. Thậm chí, nhiều trường hợp “thổi giá” cao xong hủy cọc.
Tuy nhiên, sau khi Công an Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can 5 đối tượng đấu giá đất tại Sóc Sơn có hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, dường như các phiên đấu giá “kém nhiệt” hơn hẳn.
Ông Hoàng Hà, một nhà đầu tư bất động sản nhận định: Sau vụ đấu giá đất tại Sóc Sơn, các phiên đấu giá đất gần đây vẫn “hot” nhưng “kém nhiệt” hơn so với trước. Giá đấu ở nhiều phiên vẫn cao nhưng bớt “ảo” hơn.
Ví dụ, tại phiên đấu giá 26 thửa đất tại xã Tân Phú, huyện Quốc Oai tổ chức vào đầu tháng 1 vừa qua, giá trúng cao nhất là gần 77 triệu đồng/m2.
Trước đó vào tháng 11, huyện Quốc Oai đã tổ chức đấu giá 20 thửa đất cũng tại xã Tân Phú. Kết quả cho thấy, trong số 20 thửa đất được đưa ra đấu giá, thửa có giá trúng cao nhất là 94,7 triệu đồng/m2. Như vậy, kết quả đấu giá tại tháng 1 đã kém xa so với 2 tháng trước đó.
“Đấu giá đất vẫn sẽ “hot” trong năm 2025, nhưng các nhà đầu tư có thể đưa ra mức giá kiềm chế hơn so với trước”, ông Hà nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước khi xuống tiền mua đất nền thời điểm này, phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh rơi vào bẫy “sốt ảo”. Thị trường bất động sản Hà Nội, với đặc thù dân cư đông đúc, cung không đủ cầu nên dễ thu hút cả những nhà đầu cơ trong các phiên đấu giá. Do đó, không loại trừ khả năng trong nhiều phiên đấu giá đất vẫn xuất hiện các nhà đầu tư thông đồng đẩy giá nhằm nâng giá trị những khu đất lân cận để trục lợi.
Để ổn định thị trường đất đấu giá, theo các chuyên gia, Nhà nước cần kiểm soát giá khởi điểm và bảo đảm cơ chế đấu giá minh bạch hơn, hạn chế tình trạng “cò” đất đẩy giá, gây rối loạn thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam – cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong các phiên đấu giá đất cần nâng giá khởi điểm và tỷ lệ đặt cọc trong các phiên đấu giá, xác định giá khởi điểm sát giá thị trường, hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm và yêu cầu xây dựng trong 2-3 năm, rút ngắn thời gian nộp tiền sau trúng đấu giá.
Nguồn: https://www.congluan.vn/ngoai-thanh-ha-noi-chuan-bi-o-at-to-chuc-dau-gia-dat-lieu-co-con-hot-post330836.html