Hai gương mặt mới được giới thiệu tại Nhã Lam Art gồm nghệ sĩ Thanh Tùng với nghệ thuật chế tác pháp lam, họa sĩ Mỹ Linh với dòng tranh khắc gỗ phá bản khổ lớn và nhóm có Vi Cự Việt Nhân với các sản phẩm gốm, tượng thủ công mô phỏng các hiện vật, nhân vật lịch sử Việt Nam.
Hội chợ diễn ra trước thềm xuân Ất Tỵ 2025, là cơ hội để người thưởng lãm được nhìn ngắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phối chạm, kết hợp các chủ đề lịch sử, đương đại để làm nổi bật tính gắn kết gia đình dịp tết đến xuân về, dù có nghệ thuật đã thất truyền và đang được phục dựng, tái tạo với nỗ lực đáng trân trọng, chẳng hạn nghệ thuật pháp lam mà anh Thanh Tùng đang theo đuổi.
Nghệ thuật pháp lam có từ đầu thế kỷ 19 (thời vua Minh Mạng), song vì chiến tranh nên thất truyền. Là người lần mò học hỏi và không có nền tảng về hội họa, anh Thanh Tùng đã gặp không ít khó khăn khi chọn tái hiện nghệ thuật chạm khắc độc đáo này để giới thiệu đến khán giả một loại hình tuy hiếm ở Việt Nam nhưng tính ứng dụng cao. Theo anh Tùng, hiện nay tại Việt Nam, ngoài Huế, nếu muốn tìm hiểu về pháp lam có những địa điểm như ở TP.HCM, An Giang hay một số nơi ở Hà Nội. Tại hội chợ, anh trưng bày một số tác phẩm độc đáo cho thấy khá rõ nét kỹ thuật pháp lam. Cũng theo chia sẻ của anh, nghệ thuật này khó nhưng có thể áp dụng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức, nội thất; riêng anh thích và thấy dễ phối hợp là kết hợp nghệ thuật pháp lam với gỗ.
Còn với họa sĩ Mỹ Linh, đây là lần đầu tiên tranh khắc gỗ phá bản của chị được ra mắt tại Nhã Lam với khổ lớn – dòng tranh với kỹ thuật khó và đòi hỏi sự nghiêm cẩn trong quá trình sáng tác. Các bức tranh của nữ họa sĩ được trưng này đều là những bức khổ lớn với chạm khắc tinh tế, khắc họa nhiều hình thái sống động của thiên nhiên. Hội chợ là dịp để họa sĩ Mỹ Linh “trổ tài” biểu diễn và giới thiệu đến công chúng nghệ thuật in tranh khắc gỗ và những nét đặc trưng của dòng tranh này trong workshop mở rộng ngày 18.1 tới.
Nhóm Vi Cự Việt Nhân trước đó gây chú ý với thú chơi mô hình chiến binh các nhân vật lịch sử, đem đến hội chợ những mô hình nhân vật và mô hình đầu rồng được đúc bằng gốm, các ấn được đúc bằng đồng. Các tượng, hiện vật này được chế tác bằng tay, ví dụ như các mô hình chiến binh được tham khảo kỹ lưỡng về phông nền lịch sử, văn hóa rồi mới chế tác, sau đó đến các chi tiết như mũ giáp, binh khí cũng được dựa vào mô tả trong lịch sử để phục hiện.
Bên cạnh 3 dòng sản phẩm chính gồm đồ thủ công chế tác bằng/kết hợp với kỹ thuật pháp lam, tranh khắc gỗ phá bản và mô hình chiến binh, các hiện vật lịch sử, hội chợ còn là không gian để người thưởng thức tìm hiểu và đấu giá các tác phẩm gốm xưa cũng như tranh màu nước của họa sĩ Hồ Hưng.
Gốm xưa cũng như tranh màu nước Hồ Hưng đã được giới thiệu trước đó, độc đáo là lần này, có 3 phiên bản tranh giới hạn của Hồ Hưng được giới thiệu gồm Miền quê lao xao, Thu heo may và Nằm nghe biển hát.
Chấp nhận tranh cãi để hoàn thiện hơn
Điểm chung trong các tác phẩm nghệ thuật, thủ công của các nghệ sĩ là những sáng tạo đòi hỏi tính bền bỉ. Bà Nguyễn Giáng Xuân, nhà sáng lập Nhã Lam Art, nhận thấy điều đó và chia sẻ rằng nhiều người chơi hoặc người thưởng lãm có thể mua hàng từ nước ngoài về với giá rất cao, song Nhã Lam chọn 3 trường hợp này để giới thiệu đến công chúng vì bản thân mỗi loại hình như thế tự thân nó đã có những câu chuyện nối kết lịch sử với đương đại, thông qua đó chạm đến nếp văn hóa nếp nhà của người Việt từ xưa đến nay.
So với tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ phá bản khó chỉnh sửa hơn, kỹ thuật đòi hỏi khắt khe, sự sáng tạo đòi hỏi phải bền bỉ. Kỹ thuật pháp lam cũng thế, bởi như anh Thanh Tùng nhìn nhận, nếu muốn học kỹ thuật này một cách bài bản, nếu có điều kiện nên sang nước ngoài và đầu tư bộ dụng cụ để chế tác kỹ thuật này.
Nhóm Vi Cự Việt Nhân biết rằng làm những mô hình lịch sử (trải dài từ thời Lý – Trần đến thời Nguyễn) không chỉ khó nhọc mà còn có thể dẫn đến những tranh cãi về tính đúng sai của lịch sử. “Tranh cãi là chuyện của những nhà nghiên cứu lịch sử, còn việc của mình là làm ra những mô hình này. Phải có mô hình trước, sau đó tụi mình sẽ lắng nghe những góp ý để hoàn thiện dần”, đại diện nhóm chia sẻ.
Những nghệ sĩ trẻ này chọn lối đi hẹp để tiếp cận với những loại hình thủ công, mỹ thuật đòi hỏi nhiều tâm huyết, tài chính. Như trường hợp của anh Thanh Tùng, lấy công việc khác để “nuôi” việc học hỏi và phát triển pháp lam, song nhờ tình yêu, niềm đam mê và sự cần mẫn, những sáng tác của họ có đời sống riêng, hấp dẫn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-nguoi-tre-chon-loi-di-hep-de-quang-ba-nghe-thuat-185250117140145044.htm