VHO – Nghề làm muối Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề này đã có lịch sử hàng trăm năm và trở thành một nghề truyền thống, văn hóa đặc trưng của địa phương.
Hiện nay, đồng muối Sa Huỳnh có tổng diện tích khoảng 106 ha với hơn 560 hộ diêm dân thuộc 3 tổ dân phố Tân Diêm, Long Thạnh 1, Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh cùng nhau sản xuất muối. Hằng năm, đồng muối Sa Huỳnh cung cấp khoảng 6.500 – 7.000 tấn muối. Nghề làm muối ở Sa Huỳnh là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Quảng Ngãi, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng – địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Sa Huỳnh, Phổ Thạnh tự nguyện cam kết bảo vệ.
Diêm dân Trần Sơn, phường Phổ Thạnh chia sẻ, nghề làm muối đòi hỏi các diêm dân sự cần cù, chịu khó cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với điều kiện tự nhiên của thời tiết. Để có được ruộng muối đạt năng suất cao, chất lượng tốt, người làm muối phải tính toán khéo léo, khoa học trong từng công đoạn bằng kinh nghiệm của người nhiều năm trong nghề. Và kinh nghiệm này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo kiểu “cha truyền con nối”.
Theo những diêm dân nơi đây, trên mỗi ruộng muối, người làm muối sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào đất. Công đoạn này tốn rất nhiều công sức bằng việc lu, lèn. Sau đó, tiếp tục cho nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu, người dân mới bơm nước biển vào bên trong. “Ruộng ban đầu cho nước biển vào người dân gọi là “ruộng phơi”, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, lượng nước trong nước biển từ từ bốc hơi. Lúc này nồng độ mặn trong nước trên ruộng phơi đã tăng cao hơn so với ban đầu. Người dân mới tháo phần nước này xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối, ruộng này gọi là “ruộng ăn”, được lèn chặt và nhẵn bóng từ trước. Khi muối bắt đầu kết tủa (rớt hạt), diêm dân mới dùng dụng cụ để cào muối tập trung lại thành những hình chóp trên mỗi ruộng”, diêm dân Sơn cho biết.
Hiện nay, địa phương đang thực hiện dự án “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ – Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ. Xây dựng mô hình homestay lối sống sinh thái, tạo một số điểm check in tham quan cho du khách đến du lịch Sa Huỳnh…
“Đồng muối là nơi sinh sống của rất nhiều loài động, thực vật và góp phần ngăn chặn lũ lụt. Thực hiện dự án nhằm bảo tồn đồng muối truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng muối và tạo sinh kế bền vững cho diêm dân, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây là cơ hội rất tốt để muối Sa Huỳnh khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường và là cơ hội thúc đẩy du lịch cộng đồng ngày càng phát triển”, ông Thái Thuần Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh cho biết.
Đồng muối Sa Huỳnh có hai con đường muối cùng hàng hóa giao thương nối các vùng miền. Đó là từ Sa Huỳnh – An Lão – La Vuông rồi lên vùng người Chăm Hroi; từ Sa Huỳnh – Chợ Cung – Ba Khâm – Ba Trang – đèo Vi Ô Lắc rồi lên vùng người Mơ Nâm. Giờ tiểu thương vẫn chuyển muối đi bán trên con đường người xưa đã qua: Chợ Cung – Ba Khâm – Ba Trang – chân đèo Vi Ô Lắc. Và cư dân bên chân đèo Vi Ô Lắc mua muối rồi chuyển lên vùng người Mơ Nâm nơi cao nguyên xa xôi.
Thuở trước, muối ở Quảng Ngãi xuất cảng theo đường biển rất mạnh. Sách Quảng Ngãi tỉnh chí (của Nguyễn Bá Trác và cộng sự) cho biết “Lượng muối ở Quảng Ngãi xuất khẩu qua 3 Sở Thương chính. Trong đó, Sở Thương chính Sa Huỳnh năm 1929 xuất khẩu hơn 1.094 tấn, năm 1930 trên 7.634 tấn và năm 1931 hơn 2.636 tấn. Sa Huỳnh là nơi có lượng muối xuất khẩu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó cho thấy trước đây nghề muối ở nơi này phát triển rất phồn thịnh”.
Đồng muối Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió nằm gần những cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nơi đây gắn với nền Văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước chứa bao điều huyền bí. Du khách đến tham quan đầm An Khê, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, di chỉ mộ táng của người Sa Huỳnh cổ… thường dừng xe bên đồng muối để chụp ảnh, ghi lại những cảnh đẹp như mơ.
Bộ VHTTDL đã công nhận Nghề thủ công truyền thống Nghề làm Muối Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận nghề làm Muối Sa Huỳnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự khẳng định giá trị văn hóa lâu đời, mà còn là động lực thúc đẩy bảo tồn và phát huy nghề muối truyền thống.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/tu-hao-nghe-muoi-sa-huynh-118806.html