Sau hơn 1 năm giao tranh khốc liệt giữa Israel và Hamas, cùng nhiều tháng nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhưng bất thành, 2 nước trung gian đàm phán gồm Mỹ và Qatar trong ngày 16.1 đã công bố thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Chờ thỏa thuận “về đích”
Lệnh ngừng bắn bao gồm những điều khoản thả con tin theo từng giai đoạn và quân đội Israel sẽ rút dần khỏi Gaza. Cần lưu ý rằng thỏa thuận được nhất trí không đồng nghĩa bom đạn sẽ lập tức chấm dứt tại Gaza, mà điều này còn phụ thuộc vào quyết tâm thực thi thỏa thuận của các bên trong từng giai đoạn. Israel và Hamas cũng từng đạt thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11.2023 nhưng rồi sớm đổ vỡ, trong khi nhìn qua thỏa thuận giữa Israel và Hezbollah, hai bên vẫn có những đợt tấn công lẫn nhau khi cáo buộc bên còn lại vi phạm.
Trong diễn biến mới, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua nói rằng nội các của ông cùng ngày sẽ không họp để phê duyệt thỏa thuận ngừng bắn như kế hoạch ban đầu, nêu lý do Hamas đã rút lại một số điều khoản vào phút chót. Reuters dẫn lời quan chức cấp cao Hamas nói rằng nhóm này cam kết tuân thủ các điều khoản ngừng bắn do các bên trung gian đưa ra. Nếu không có những trục trặc phút chót, thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào ngày 19.1.
Lực lượng Houthi tại Yemen và nhóm vũ trang ở Iraq tuyên bố sẽ ngừng các cuộc tấn công Israel sau thông tin Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Thông tin về lệnh ngừng bắn đã nhận được hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết sẵn sàng hỗ trợ thực hiện thỏa thuận và mở rộng quy mô viện trợ nhân đạo. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói lệnh ngừng bắn là một bước tiến quan trọng hướng đến ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi hiệu quả và hướng tới ngừng bắn hoàn toàn ở Gaza. Với riêng Mỹ, Tổng thống Joe Biden và người sắp kế nhiệm Donald Trump đều nhận công đã đóng góp vào nỗ lực để Israel và Hamas ký thỏa thuận.
15 tháng dài hơi
Cuộc chiến tại Gaza đã tác động đáng kể đến bối cảnh địa chính trị trong khu vực. Theo Hãng tin AP, Israel có thể tuyên bố đạt những thắng lợi chiến thuật sau hơn 1 năm giao tranh với Hamas, bao gồm tiêu diệt các thủ lĩnh cấp cao và giáng đòn mạnh lên nhóm vũ trang này. Đồng thời, các đồng minh của Hamas trong khu vực như Hezbollah và Iran cũng ít nhiều chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, Israel vẫn còn mục tiêu dang dở mà nước này liên tục nhấn mạnh hồi đầu chiến sự, đó là đánh bại hoàn toàn Hamas. Một số con tin cũng đã thiệt mạng trong thời gian bị giam tại Gaza, trong đó có những người bị lực lượng Israel bắn nhầm. Tiến trình đàm phán ngừng bắn trong thời gian qua đã gây chia rẽ bên trong Israel, khi người dân chỉ trích Thủ tướng Netanyahu đặt lợi ích chính trị vượt trên mong muốn đưa con tin trở về sớm nhất có thể. Mặt khác, hướng đến quan điểm ngừng bắn khiến nhà lãnh đạo Israel vấp phải sự phản đối từ liên minh cực hữu, điều có thể đe dọa đến vị trí của ông.
Với Hamas, nhóm này cho rằng vụ tấn công Israel ngày 7.10.2023 nhằm trả đũa hành động của Tel Aviv với các vùng lãnh thổ tranh chấp với người Palestine. Quyết định trên rõ ràng đã khiến thế giới hướng sự chú ý đến vấn đề người Palestine trong khu vực, song nó cũng để lại thiệt hại nghiêm trọng ở Gaza cả về người và của. Theo tạp chí Foreign Policy ngày 15.1, lý lẽ để Hamas đi đến nhất trí lệnh ngừng bắn khá rõ ràng. Nhóm này đã chịu tổn thất lớn, mà theo Israel tuyên bố là 17.000 tay súng Hamas thiệt mạng, nhiều hệ thống đường hầm và hạ tầng phục vụ Hamas trong cuộc chiến bị phá hủy, ảnh hưởng của Hamas cũng giảm sút tại Gaza khi người dân phải chịu mất mát quá lớn. Song giới chuyên gia cho rằng việc Hamas còn tồn tại thì vẫn có khả năng tổ chức lại lực lượng và khôi phục ảnh hưởng.
Thiệt hại tại Gaza sau 15 tháng chiến sự
Cơ quan y tế Gaza thống kê hơn 1 năm xung đột đã khiến hơn 46.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 110.000 người khác bị thương. LHQ chỉ ra 90% ngôi nhà ở Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, đồng thời các cuộc giao tranh liên miên khiến khoảng 1,9 triệu người Palestine phải di tản, tương đương 90% dân số ở Gaza. Y tế, giáo dục, lương thực trở thành những vấn đề cấp bách tại Gaza, khi ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm trùng đường hô hấp trong năm 2024, hơn 870.000 người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và 660.000 trẻ em tuổi đến trường không được tiếp cận giáo dục chính thức. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, việc tái thiết Gaza cũng là bài toán nan giải.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoa-binh-dang-den-voi-trung-dong-185250116212001913.htm