Việc bổ sung các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn vào đối tượng hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị định 55/2015 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 116/2018 cũng như việc ban hành Nghị định mới về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp mảng tín dụng xanh lĩnh vực tam nông có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt tốc độ 3,4 – 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 64 – 65 tỷ USD. Trong đó, nhấn mạnh vào các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm và tích hợp đa giá trị; đồng thời khuyến khích phát triển nền nông nghiệp lớn theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ này đặt ra trong năm nay là tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Bên cạnh đó, phát triển mạnh kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong Đề án Phát triển một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những định hướng trên của ngành Nông nghiệp cho thấy, xu hướng “xanh hóa” nền kinh tế nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo và được khuyến khích, tạo điều kiện ưu tiên phát triển trên phạm vi toàn quốc. Điều này cũng gợi mở rằng trong năm 2025 và các năm tiếp theo, lĩnh vực “nông nghiệp xanh” sẽ là “điểm rơi” của các chính sách ưu đãi hỗ trợ cả về mặt pháp lý đầu tư cũng như về tài chính, tín dụng. Trong đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay NHTM sẽ cởi mở hơn.
Quan sát từ thực tế đến cuối 2024, có thể thấy nông nghiệp, nông thôn vẫn đang là lĩnh vực được hệ thống ngân hàng dành nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi nhất so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chỉ tính riêng hoạt động cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối 2024 các TCTD đã cho vay khoảng 124.000 tỷ đồng.
Đối với Đề án Phát triển một triệu ha lúa chất lượng cao, hiện nay đã có hàng chục mô hình lớn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các NHTM cam kết không giới hạn hạn mức tín dụng. Trong khi đó đối với gói vay ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, từ hạn mức ban đầu 15.000 tỷ đồng, hiện nay đã nâng lên mức 60.000 tỷ đồng với sự vào cuộc của hàng chục NHTM. Dư nợ cho vay ở nhiều địa phương cho lĩnh vực này đạt mức 4.000 – 5.000 tỷ đồng, hỗ trợ 1-2% lãi suất cho hàng nghìn doanh nghiệp.
Hàng chục mô hình thuộc Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ở ĐBSCL đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi lãi suất |
Bước sang năm 2025, từ khóa “kinh tế xanh”, “nông nghiệp xanh”, “kinh tế tuần hoàn”… một lần nữa được ngành Ngân hàng nhiều địa phương nhấn mạnh sẽ là mục tiêu cho tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai trong kế hoạch năm 2025, ngành Ngân hàng tại các địa phương này đều đặt mục tiêu tăng cường phát triển “tín dụng xanh”, theo định hướng điều hành của Chính phủ và NHNN để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các – bon thấp.
Ở quy mô cấp Chính phủ, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, đề xuất các dự án thuộc lĩnh vực nông – lâm – thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng sẽ được ưu tiên vay vốn ưu đãi xanh tại các TCTD quỹ đầu tư và hợp tác với các đơn vị có chức năng phát hành trái phiếu xanh.
Trong khi đó, về phía ngành Ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho biết, hiện nay đơn vị đang tổ chức rà soát lại các chính sách ưu đãi trong Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn). Rất có thể, các lĩnh vực như nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn thời gian tới sẽ được bổ sung, luật hóa trong nghị định sửa đổi. Từ đó tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân tiếp vốn vay dễ dàng hơn và vay được vốn với hạn mức cao hơn mà không cần tăng thêm tài sản thế chấp.
Về góc độ triển khai, theo quan sát, hiện nay hàng chục NHTM, như VietinBank, Agribank, TPBank, MB… đều đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội cho các dự án và đối tác vay vốn, khách hàng. Các ngân hàng cũng đã khá chủ động trong việc thiết kế các sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng lĩnh vực nông nghiệp để tạo cơ chế linh hoạt trong việc tài trợ vốn và mở rộng phạm vi tiếp cận các dịch vụ tài chính xanh.
Từ những diễn biến trên có thể nhận định rằng, trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 16%, nhiều khả năng ngay từ các tháng đầu năm, hàng loạt các ngân hàng sẽ “bung mạnh” các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng xanh, kinh tế xanh. Trong đó, riêng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, sự cạnh tranh của hệ thống NHTM trong việc tài trợ vốn cho các dự án nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, chuỗi liên kết giá trị nông sản… sẽ khá sôi động, bởi đến hiện tại, ngoài Agribank hàng loạt các nhà băng khác như HDBank, LPBank, KienlongBank, NamABank, BacABank, NCB… đều đang hướng dòng tín dụng về các vùng nông nghiệp trọng điểm.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-xanh-cho-tam-nong-nhieu-co-hoi-but-pha-159838.html