(LĐXH) – Giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp nên tại không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ vẫn sinh con tại nhà và thiếu kiến thức chăm sóc thai kỳ, chăm sóc trẻ sơ sinh…
Ở đó cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài của ngành y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Gian nan hành trình hỗ trợ sản phụ vùng cao
Hơn 7 năm làm cô đỡ tại các thôn bản, chị Lò Thị Đường (bản Nậm Đích, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) không nhớ đã đỡ đẻ cho bao nhiêu ca. Không ngại đường sá xa xôi hay nửa đêm gà gáy, khi sản phụ cần là chị có mặt.
Chị Đường cho biết: “Do địa hình vùng cao hiểm trở, không có điện, chợ lại xa nên việc thăm khám cho thai phụ vô cùng gian nan. Bên cạnh việc giám sát sức khỏe sinh sản cho 97 hộ dân, tôi kiêm nhiệm công tác phụ nữ và dân số. Công việc hằng ngày là thăm khám các bà mẹ mang thai, chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau khi sinh”.
Chị Đường cho biết thêm, đồng bào dân tộc chủ yếu làm ruộng, nương. Bởi vậy, để chăm sóc sức khỏe sản phụ, mỗi ngày chị phải đi vài tiếng đồng hồ để tư vấn về khám sức khỏe định kỳ, thăm khám cho sản phụ. Thậm chí phải lên rẫy vận động sản phụ về nhà, đến cơ sở y tế khi gần đến ngày dự sinh. Vất vả, bận rộn nhưng một tháng, chị chỉ được hỗ trợ 447.000 đồng.
“Tôi dành 200.000 đồng nạp tiền điện thoại, phục vụ cho việc gọi điện hỏi thăm sản phụ. Số tiền còn lại tôi mua xăng đi tới nhà họ. Với kinh phí hiện tại không đủ trang trải cuộc sống. Nhưng người dân cần thì mình phải làm”, chị Lò Thị Đường tâm sự.
Chị Giàng Thị Sau (nhóm 1, bản Nậm Đích) cho biết, năm 2016, chị mang thai đứa con đầu lòng, chị được cô Đường thăm khám và khuyến cáo phải xuống cơ sở y tế sinh nở do thai ngôi ngang nhưng chị Sau chủ quan, không nghe lời cô đỡ. Đến kỳ chuyển dạ chị mất nhiều máu, tưởng không qua khỏi, phải gọi chị Đường. Nhờ được cấp cứu kịp thời, mẹ và con chị Sau đã được cứu sống.
Sau lần “thập tử nhất sinh” của chị Sau, người dân trong bản đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc sinh sản, phụ nữ có thai đã tự giác đến trạm y tế khám, không còn chủ quan như trước.
“Cánh tay nối dài” chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng khó khăn
Cô đỡ thôn bản Lâu Thị Cho (bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát , Thanh Hóa) kể, từ trung tâm bản ra trạm y tế xã mất gần 17km, hơn nữa do phong tục tập quán, phụ nữ sinh con tại nhà. Trước đây nhiều trường hợp mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm rẫy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng; nhiều thai phụ không có điều kiện bồi bổ, chăm sóc.
Được làm công tác cô đỡ thôn bản, chị Cho không quản ngại vất vả. Chị có cuốn sổ ghi lại từng chi tiết, dấu hiệu của các bà mẹ mang thai và em bé. Khi thấy có biểu hiện bất thường, chị tư vấn cho các mẹ cách chăm sóc sức khỏe, nếu biểu hiện nặng sẽ khuyên gia đình đưa mẹ và bé đi bệnh viện để được khám chữa kịp thời.
Mẹ nào gần đến ngày sinh, chị Cho đến tận nhà vận động đến trạm xá để được đảm bảo sinh nở an toàn. Trường hợp không kịp đến trạm y tế, chị đến tận nhà đỡ đẻ.
Lũng Cú là một trong những xã vùng cao, biên giới của huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đời sống của đại bộ phận đồng bào còn muôn vàn khó khăn. Hàng ngày, tiếp xúc với đồng bào, cô đỡ thôn bản Vừ Thị Mỷ thấu hiểu và chia sẻ với chị em, nhất là thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ.
Chị Mỷ cho hay, trước đây, hầu hết phụ nữ ở các bản đều sinh đẻ tại nhà, mời thầy mo, thầy cúng làm lễ và sinh đẻ tự nhiên.
Tuy nhiên, từ hơn 10 năm nay, khi chương trình cô đỡ thôn bản có mặt tại Lũng Cú, các ca sinh đẻ tại nhà đều được tư vấn, khám thai và chăm sóc tốt, đã hạn chế được nhiều rủi ro cho sản phụ.
Nơi bản làng vùng cao biên giới, những cô đỡ thôn bản trở thành người bạn thân thiết, đồng hành cùng bà mẹ và trẻ em vùng cao. Với đôi tay tận tụy và tấm lòng yêu thương, họ lặng lẽ mang đến niềm tin và hy vọng cho những cuộc đời nhỏ bé nơi vùng đất khó.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 7
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/co-do-thon-ban-canh-tay-noi-dai-cham-soc-suc-khoe-ba-me-tre-em-vung-kho-20250116110134719.htm