(NB&CL) Dường như tất cả những gì liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như người đứng đầu nước Mỹ đều có thể trở thành tâm điểm của truyền thông. Lễ nhậm chức của các Tổng thống đắc cử của Mỹ là ví dụ. Dưới sự mổ xẻ đa chiều của báo chí, rất nhiều điều thú vị về lễ nhậm chức của các đời Tổng thống Mỹ được hé lộ.
Ngày lễ nhậm chức được ấn định hàng trăm năm trước
Ngày tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức, đồng thời cũng là ngày tổng thống đương nhiệm chính thức kết thúc nhiệm kỳ, thường diễn ra vào ngày 20/1. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng ngày 20/1 chỉ được ấn định kể từ năm 1933.
Lịch sử nước Mỹ ghi nhận, lễ nhậm chức đầu tiên được tổ chức vào ngày 30/4/1789, khi Tổng thống George Washington tuyên thệ nhậm chức. Sau đó, ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ được chọn là ngày 4/3 – ngày kỷ niệm phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ thời điểm đó cho rằng thời điểm đầu tháng 3 được lựa chọn bởi quãng thời gian từ tháng 11 khi cuộc bầu cử kết thúc đến thời điểm đó đã đủ cho công tác kiểm phiếu, xử lý những vấn đề còn tồn đọng của chính quyền cũ cũng như chuẩn bị cho nội các mới.
Tuy nhiên, sau một thời gian, thời điểm để Tổng thống tuyên thệ trong tháng 3 gây ra nhiều tranh cãi. Phần đa ý kiến cho rằng quãng thời gian “ngắt quãng” ấy là quá dài và không cần thiết phải mất chừng ấy thời gian chờ đợi một vị Tổng thống cùng chính quyền mới. Cũng từ những tranh cãi ấy, năm 1922, Thượng nghị sĩ bang Nebraska, George Norris, đã đề xuất ý tưởng về việc rút ngắn quãng thời gian giữa ngày bầu cử và ngày tổng thống nhậm chức, xuống còn khoảng hơn 70 ngày.
Dù vậy, đề xuất của ông Norris đến năm 1933 mới được Quốc hội Mỹ chính thông qua và sau đó được 3/4 số bang của Mỹ chấp thuận. Theo đó, ngày 20/1 là ngày Tổng thống tuyên thệ nhậm chức, trừ khi ngày đó rơi vào Chủ nhật. Trong trường hợp ngày 20/1 là ngày Chủ nhật, lễ nhậm chức sẽ dời lại một ngày sau đó, ngày 21/1. Trường hợp này cho tới nay đã diễn ra vào các 1957, 1985 và 2013, lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 21/1. Tổng thống Franklin Roosevelt là Tổng thống Mỹ cuối cùng tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/3/1933.
Ngoài thời gian, địa điểm diễn ra lễ nhậm chức cũng là điều đáng nói. Cho tới nay, Capitol Hill – trung tâm chính trị của Mỹ, nơi tọa lạc của Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington – luôn được biết tới là nơi diễn ra hầu hết các lễ nhậm chức của tổng thống nước này, kể từ năm 1801 với lễ nhậm chức của Tổng thống Thomas Jefferson. Việc lựa chọn Capitol Hill được cho là nhằm nhấn mạnh tinh thần dân chủ, và rằng, dù ai lên làm Tổng thống, thì quyền lực vẫn đến từ người dân, và trách nhiệm của họ là phục vụ lợi ích quốc gia trên hết.
Sau này, ngoài Capitol Hill, một vài địa điểm khác cũng đã được chọn làm nơi diễn ra buổi lễ nhậm chức của tổng thống như tòa nhà Độc lập ở bang Philadelphia, tòa nhà Old Brick Capitol ở Washington… Đặc biệt, kể từ sau lễ nhậm chức của ông Ronald Reagan năm 1981, sự kiện này bắt đầu được tổ chức ở mặt phía Tây tòa nhà Quốc hội Mỹ nhằm cắt giảm chi phí chuẩn bị và mang lại nhiều không gian hơn cho khán giả.
An ninh và công tác tổ chức
Theo những thông tin mới được cập nhật, có khoảng 25.000 nhân viên hành pháp và binh sĩ, 7.800 thành viên Vệ binh Quốc gia, 4.000 sĩ quan từ nhiều vùng của nước Mỹ đã được triển khai đến Washington để tăng cường việc đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1/2025. Bên cạnh đó, ít nhất 900 nhân viên an ninh mặc đồng phục sẽ được triển khai để giám sát hệ thống giao thông công cộng trong suốt lễ nhậm chức.
Không chỉ là đội ngũ an ninh hùng hậu, một kịch bản an ninh cụ thể đến từng chi tiết đã được đưa ra, ngay cả những giả định cho những tình huống xấu nhất. Lệnh hạn chế bay tạm thời trên bầu trời Washington vào ngày 20/1 đã được đưa ra; Máy bay không người lái được sử dụng để theo dõi tình hình an ninh từ trên không; Tất cả những người tham dự trong khoảng hàng trăm nghìn người dự kiến có mặt ở thủ đô nước này để chứng kiến lễ nhậm chức của ông Donald Trump đều sẽ được kiểm tra; Máy tính xách tay, chai nước, gậy tự sướng và biểu ngữ sẽ bị cấm mang vào khuôn viên diễn ra buổi lễ; Hàng rào chống leo trèo dài khoảng 50 km sẽ được dựng lên…
Lịch sử nước Mỹ, đặc biệt là các buổi lễ nhậm chức tổng thống Mỹ cho thấy những sự chuẩn bị kỹ càng về an ninh như thế không bao giờ là thừa. Việc Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng thoát chết trong gang tấc khi một nhóm sát thủ đợi giết ông trên đường đến lễ nhậm chức ngày 4/3/1865 là một ví dụ về những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong sự kiện quan trọng này. Chưa kể theo tiền lệ, tại lễ nhậm chức lần này của ông Donald Trump, vị tổng thống đắc cử đã mời nhiều nhà lãnh đạo thế giới tham dự.
Lễ nhậm chức của vị Tổng thống Mỹ thứ 47 còn được dự báo là sẽ hết sức rầm rộ bởi theo báo chí Mỹ, ông Donald Trump đã quyên góp được hơn 170 triệu USD cho lễ tuyên thệ nhậm chức của mình. Theo đó, các sự kiện nhậm chức diễn ra ít nhất 4 ngày với rất nhiều hoạt động. Cụ thể, sự kiện bắt đầu từ ngày 17/1 và lễ tuyên thệ diễn ra ngày 20/1/2024. Ngày 18/1, ông Trump dự kiến tham gia buổi tiệc chiêu đãi và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tại Trump National Golf Club ở Sterling, bang Virginia.
Ngày 19/1, Tổng thống đắc cử Trump dự lễ đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, sau đó sẽ tổ chức mít tinh tại sân vận động Capital One Arena ở thủ đô Washington với sức chứa khoảng 20.000 người. Ngày nhậm chức 20/1 dự kiến sẽ có tiệc trà tại Nhà Trắng cùng người tiền nhiệm, nghi thức tuyên thệ tại Đồi Capitol, tiệc trưa cùng các nghị sĩ, một cuộc diễu hành trên Đại lộ Pennsylvania và ba buổi dạ tiệc.
Cách đây 4 năm, lễ nhậm chức của ông Biden lại không được hoành tráng như thế bởi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ. Sự kiện được tổ chức với số lượng khách mời hạn chế và hạn chế dân chúng tới theo dõi buổi lễ.
Cuốn Kinh thánh và lời tuyên thệ
Hiến pháp Mỹ không yêu cầu sử dụng văn bản cụ thể nào trong lễ nhậm chức, cũng không có quy định sử dụng Kinh thánh khi tuyên thệ, nhưng hầu hết các đời Tổng thống Mỹ đều chọn Kinh thánh là cuốn sách biểu tượng cho lễ nhậm chức, đặt tay lên cuốn sách này để tuyên thệ. Cụ thể theo lệ thường, trong lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử sẽ đặt tay lên Kinh Thánh và nói lời tuyên thệ: “Tôi xin thề thực hiện trung thực nhiệm vụ Tổng thống Mỹ và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ, che chở và bảo vệ Hiến pháp của nước Mỹ. Xin Chúa giúp tôi”.
Tất nhiên, cũng có những tổng thống không chọn Kinh thánh trong buổi tuyên thệ như Tổng thống Theodore Roosevelt, còn một số Tổng thống như Barack Obama lại dùng thêm cả một cuốn sách nữa trong buổi lễ nhậm chức của mình.
Một hoạt động thường kỳ trong buổi lễ nhậm chức cũng thu hút sự chú ý đặc biệt đó là bài diễn văn của tân tổng thống. Bài diễn văn của cựu Tổng thống Mỹ George Washington vào ngày 4/3/1793 sau khi tái đắc cử với 135 từ được coi là bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất lịch sử Mỹ. Diễn văn nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy, ngày 20/1/1961, trong đó có câu nói: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm được gì cho đất nước” – được đánh giá là một trong những bài diễn văn nhậm chức truyền cảm hứng nhất.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/chuyen-ve-le-nham-chuc-cua-tong-thong-my-post330643.html