Lương thưởng, thu nhập của một người vốn là thông tin riêng tư đầy nhạy cảm. Thế nhưng câu hỏi về bảng lương cũ lại được rất nhiều nhà tuyển dụng đề cập đến trong các buổi phỏng vấn.
Vì sao các nhà tuyển dụng vẫn hỏi bảng lương, mức thưởng ở đơn vị cũ của ứng viên? Và nếu bị yêu cầu xem bảng lương cũ, ứng viên cần làm gì, trả lời ra sao?
“Trị” nói thách lương, xem mức độ phù hợp
Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, anh Hoàng Trọng Hải (kỹ sư công nghệ tại TP.HCM) cho hay rất băn khoăn việc các doanh nghiệp luôn muốn anh cho họ coi bảng lương ở công ty cũ. Việc từng đảm nhiệm nhiều dự án lớn hàng chục tỉ ở nơi làm trước cũng không giúp Hải tự tin, có thể khéo léo xử lý trước yêu cầu bất ngờ này.
Chị Trần Thu Hồng – chuyên viên phòng nhân sự của một tập đoàn đa ngành nghề tại TP.HCM – thừa nhận hỏi chuyện mức lương, bảng lương của phóng viên ở công ty cũ là điều nhạy cảm. Tuy nhiên, việc này nhìn từ khía cạnh tích cực thì sẽ rất hợp lý cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng.
Lý do đầu tiên được chị Hồng đưa ra cho việc này đến từ mong muốn xem xét mức độ phù hợp của ứng viên. Đây là cơ sở để doanh nghiệp xem xét độ phù hợp của ứng viên đó đối với vị trí đang tuyển, mức lương cơ bản mà doanh nghiệp có thể đáp ứng.
Dù không quá rõ ràng, thông tin lương giúp các nhà tuyển dụng định hình, đánh giá tay nghề, năng lực của ứng viên.
Việc hỏi mức lương ở công ty được dân “săn đầu người” như chị Hồng xem như một mánh khóe để thăm dò thị trường, phổ lương trung bình.
“Dĩ nhiên đây vẫn là một câu hỏi nhạy cảm. Với một số người, vị trí đặc biệt như chuyên viên cao cấp, quản lý thì việc đặt câu hỏi này là điều tối kỵ”, chị Hồng nói.
Chuyên gia “săn đầu người” Huỳnh Thị Trang của một tập đoàn chuyên tìm kiếm, cung cấp giải pháp nhân sự tại TP.HCM, nói còn thêm vài lý do nữa.
Theo chị Trang, việc hỏi mức lương cũ nhằm đối phó với những người nói thách, nói không đúng về mức lương ở nơi làm cũ. Trường hợp này xảy ra nhiều, do ứng viên đó muốn nâng tầm vị thế, để đàm phán mức lương mới cao hơn.
“Rất nhiều người nói dối rằng lương ở công ty cũ của họ rất cao. Nhưng làm nghề này đã lâu, trước khi tuyển ai, chúng tôi đều nắm rõ mức lương thị trường đang bao nhiêu, giá trị và năng lực người đó thế nào mà”, chị Trang nói.
Trả lời, từ chối yêu cầu cung cấp bảng lương cũ sao cho khéo?
Làm nhân sự một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM, chị Bích Thảo chia sẻ người lao động hoàn toàn có thể từ chối việc trả lời câu hỏi, yêu cầu xem bảng lương vì đây là thông tin bảo mật cá nhân.
Với nhiều doanh nghiệp, lương thưởng và yêu cầu bảo mật thông tin này cũng như một điều khoản trong hợp đồng, vì thế người lao động phải tuân thủ.
Tuy nhiên nếu từ chối thẳng thừng hoặc quá nguyên tắc với nhà tuyển dụng cũng không hẳn tốt. Đặc biệt là khi ứng viên nhận thấy những tiềm năng mà vị trí mình đang hướng tới thì càng không nên bỏ lỡ.
Một số lời khuyên để trả lời hoặc từ chối khéo được chị Bích Thảo mách nước như:
– Chỉ cần chia sẻ tóm tắt thu nhập trong ba tháng gần nhất. Hạn chế tiết lộ tất cả thông tin chi tiết của bảng lương.
– Đưa ra con số chung dựa trên mức lương cơ bản của thị trường, khoảng từ…
– Chứng thực năng lực, trình độ của bản thân để lấn át các thông tin về lương thưởng trước đây.
– Thể hiện rõ quan điểm lương chưa bao giờ là yếu tố duy nhất để bản thân quyết định ngồi vào ghế. Các ưu tiên hàng đầu có thể là môi trường làm việc, đồng nghiệp, cơ hội thăng tiến, uy tín doanh nghiệp…
Dĩ nhiên một ưu tiên hàng đầu vẫn là trung thực, không nói dối, nói quá về bảng lương thực tế.
Bạn có sẵn sàng nói về bảng lương cũ hay sẽ từ chối và từ chối như thế nào? Hãy chia sẻ ý kiến dưới bài, trân trọng cảm ơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ung-xu-khi-nha-tuyen-dung-hoi-bang-luong-o-co-quan-cu-20250115114856234.htm