Lời hứa đưa con tin trở về nhà của Israel buộc nước này phải hành động trước khi quá muộn. Thêm vào đó, khi ông Trump tỏ ra “ngán ngẩm” với tình hình Trung Đông, Israel nên hành động theo hướng làm cho ông Trump “hạ hỏa” hơn là ngồi chờ những phản ứng quyết liệt từ chính quyền mới của Mỹ.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza đạt được sau 8 tháng hòa giải gian nan. (Nguồn: The Week) |
Chiều lòng nhân tố bí ẩn
Sau hơn 15 tháng xung đột và chỉ 5 ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1, lệnh ngừng bắn ở Gaza cuối cùng đã được thống nhất.
Thỏa thuận này, được ký vào ngày 15/1, về cơ bản là cùng một đề xuất mà Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đưa ra hồi tháng 5/2024.
Phải mất 8 tháng hòa giải gian nan và những nỗ lực chung của cả chính quyền cũ và mới của Mỹ, cùng với Ai Cập và Qatar, để khiến Israel và Hamas chấp nhận ký vào bản thỏa thuận.
Ông Trump dường như là nhân tố bí ẩn. Tổng thống đắc cử Mỹ đã nói rõ với Israel rằng ông không muốn vào Nhà Trắng để phải quản lý thêm một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông.
Trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, dự kiến kéo dài 6 tuần, Hamas sẽ thả 33 trong số 98 con tin Israel vẫn bị giam giữ ở Gaza, để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Trong giai đoạn này, các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức để hoàn tất giai đoạn tiếp theo của việc Israel rút khỏi Gaza và thả các con tin còn lại.
Hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng xung đột đã kết thúc. Mỗi giai đoạn đều đầy rẫy rủi ro. Không rõ có bao nhiêu con tin vẫn còn sống (tình báo Israel tin rằng chỉ khoảng một nửa trong số họ). Cũng không chắc Hamas có thể thực sự giải thoát tất cả họ hay không, vì một số đã bị các nhóm khác của Palestine bắt giữ.
Israel đang yêu cầu đảm bảo an ninh trong các giai đoạn tiếp theo mà Hamas sẽ miễn cưỡng chấp nhận. Trong khi đó, Hamas bị chia rẽ nội bộ.
Thủ tướng Israel thay đổi lập trường
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn phải đưa thỏa thuận ngừng bắn này ra nội các vốn còn nhiều tranh cãi trong việc chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel đã hứa với ông Trump về một thỏa thuận, do đó, sẽ rất khó để “bùng kèo”. Ông Trump cũng được lòng người dân Israel hơn Tổng thống Joe Biden.
Trong hơn một năm, ông Biden và những người đại diện của ông đã đưa ra khả năng đạt được một thỏa thuận lớn, bao gồm một liên minh chính thức giữa Israel và Saudi Arabia, như một động lực để chấm dứt xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, ông Netanyahu đã phản đối.
Thỏa thuận với Hamas là dấu hiệu cho thấy cuối cùng ông Netanyahu có thể chuyển theo hướng đồng ý đàm phán.
Trong năm qua, Israel đã đối đầu trực diện với Hezbollah, phá hủy phần lớn năng lực quân sự và loại bỏ các nhà lãnh đạo cấp cao của phong trào này. Ông Netanyahu tuyên bố đã “thay đổi bộ mặt Trung Đông”.
Phần lớn người Israel hiện ủng hộ một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Trong các cuộc đàm phán với phe cực hữu, Thủ tướng Israel đã nhấn mạnh rằng giai đoạn thứ hai của thỏa thuận dẫn đến việc Israel rút quân hoàn toàn và ngừng bắn vĩnh viễn là điều không thể tránh khỏi.
Ông Netanyahu biết rằng việc thúc đẩy cuộc xung đột toàn diện ở Gaza sẽ khiến ông Trump “nổi cơn thịnh lộ”.
Lựa chọn giữa kịch bản tệ và rất tệ
Nội các Israel dự kiến bỏ phiếu phê duyệt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas trong hôm nay. Channel 12 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, ông Netanyahu sẽ thúc đẩy thông qua thỏa thuận, bất chấp phản đối từ một số chính trị gia cực hữu trong liên minh cầm quyền.
Ngoại trưởng Israel Gideon Sa’ar cho rằng thỏa thuận “ngừng bắn đổi lấy con tin” là lựa chọn khó khăn đối với Tel Aviv, khi phải chấp nhận phóng thích một số tù nhân Palestine bị giam với cáo buộc sát hại công dân Israel.
“Có nhiều khía cạnh đau đớn trong thỏa thuận này. Chúng ta buộc phải lựa chọn giữa kịch bản tệ và rất tệ. Nếu chúng ta trì hoãn, ai dám nói trước sẽ còn bao nhiêu con tin sống sót”, Ngoại trưởng Sa’ar cho biết.
“Chúng tôi có trách nhiệm với những công dân bị bắt cóc. Chính phủ Israel đã cam kết đưa họ về nhà. Cam kết này là tôn chỉ dẫn dắt chúng tôi trong những tình cảnh khó khăn”, ông nói.
Về phần mình, Hamas tuyên bố người dân Dải Gaza đã “đánh bại” Israel bằng lệnh ngừng bắn.
“Chúng ta đã đập tan những mục tiêu công khai lẫn bí mật của đối thủ. Hôm nay, chúng ta chứng minh đối phương sẽ không bao giờ đánh bại được ý chí của chúng ta”, Khalil al-Hayya, lãnh đạo nhánh chính trị của Hamas, ngày 15/1 tuyên bố trên truyền hình.
Ông Hayya cho rằng thỏa thuận ngừng bắn này là thời khắc lịch sử, tuy vậy vẫn nhấn mạnh rằng Hamas sẽ không từ bỏ mục tiêu hủy diệt Israel.
Súng vẫn nổ, vì sao?
Theo nguồn tin từ cư dân và giới chức Gaza được Reuters đăng tải ngày 16/1, chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas được công bố, quân đội Israel đã gia tăng các cuộc không kích vào Dải Gaza.
Theo các nguồn tin y tế, 32 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích vào đêm 15/1 và các vụ tấn công tiếp tục vào sáng 16/1. Trong khi đó, không có báo cáo về các cuộc tấn công từ phía Hamas vào Israel sau thông báo ngừng bắn.
Người dân Gaza, dù vui mừng trước tin tức ngừng bắn, vẫn tỏ ra thận trọng, lo ngại rằng Israel có thể gia tăng các cuộc tấn công để đạt được lợi thế trước khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực.
Thỏa thuận ngừng bắn, nếu thành công, sẽ chấm dứt bạo lực đã khiến hơn 46.000 người thiệt mạng và phần lớn dân số 2,3 triệu người của Gaza phải di dời. Điều này cũng có thể làm dịu căng thẳng trong khu vực Trung Đông, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ly-giai-nguyen-nhan-khien-israel-gat-dau-voi-thoa-thuan-ngung-ban-e-ngai-bung-keo-va-tam-ly-khong-the-tri-hoan-301131.html