Từ ngày 15/12/2024 đến 10/1/2025, Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 6.829 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Hà Nội xử phạt gần 5 tỷ đồng sau 1 tháng kiểm tra an toàn thực phẩm Tết
Từ ngày 15/12/2024 đến 10/1/2025, Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 6.829 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Ngày 14/1, Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, TP đã thành lập 681 đoàn kiểm tra, trong đó có 14 đoàn tuyến thành phố, 88 đoàn tuyến quận, huyện và 579 đoàn tuyến xã, phường.
Tính từ ngày 15/12/2024 đến 10/01/2025, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 6.829 cơ sở. Qua đó, các đoàn phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 954 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Đồng thời, 30 cơ sở bị nhắc nhở và 17 cơ sở đang tiếp tục được xử lý
Cụ thể, tại tuyến thành phố, 518 cơ sở đã được thanh tra, trong đó phát hiện 424 cơ sở vi phạm. 407 cơ sở đã bị xử phạt với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra đã buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm như xúc xích, bánh kẹo, rượu thủ công và các sản phẩm từ thịt động vật, với trị giá gần 3,2 tỷ đồng. Đặc biệt, 4 vụ vi phạm đã được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Ở tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, 6.311 cơ sở đã được kiểm tra, phát hiện 577 cơ sở vi phạm. 547 cơ sở đã bị xử phạt với số tiền hơn 2 tỷ đồng, đồng thời 30 cơ sở bị nhắc nhở. Các đoàn kiểm tra cũng đã tiêu hủy 170 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc với giá trị hàng hóa vi phạm lên tới hơn 300 triệu đồng.
Trong đợt kiểm tra này, các đoàn đã lấy 13.225 mẫu xét nghiệm nhanh, chủ yếu là mẫu tinh bột, phẩm màu kiềm, dấm vô cơ, foocmon, hàn the, methanol (cồn công nghiệp). Kết quả, có 1.005 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 7,6%).
Ngoài ra, tổng số 189 mẫu đã được giám sát trong đợt 1, trong đó có 148 mẫu đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, 9 mẫu không đạt và 31 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Được biết, qua công tác thanh, kiểm tra, một số vụ vi phạm nghiêm trọng được phát hiện đã gây xôn xao dư luận. Một trong những vụ việc đáng chú ý là cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh, nơi phát hiện hàng loạt vi phạm về vệ sinh thực phẩm.
Cơ sở này hoạt động trong một khu bếp gia đình không đạt yêu cầu, thiếu phân khu chức năng riêng biệt và cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở chứa đầy rác thải ứ đọng, quần áo được phơi ngay trong khu vực chế biến thực phẩm.
Tương tự, tại xưởng sản xuất bim bim của Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ thực phẩm Đức Vinh, các đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, như không tuân thủ nguyên tắc một chiều trong quy trình sản xuất, khu vực sản xuất không phân khu chức năng riêng biệt và không đảm bảo tính khép kín.
Đặc biệt, các loại bim bim được đổ trực tiếp xuống sàn nhà bẩn thỉu, đầy vết dầu mỡ, công nhân không sử dụng găng tay khi đóng gói sản phẩm, khiến nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao. Đoàn kiểm tra còn phát hiện xác chuột chết đang bốc mùi hôi thối ngay trong khu vực sản xuất.
Trên phạm vi cả nước, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến gần 5.000 người mắc bệnh và 21 người tử vong.
Trước tình hình an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.
Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các làng nghề và các tỉnh có cửa khẩu lớn sẽ được kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn sản phẩm không đạt chất lượng, sản phẩm giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay các vi phạm về vệ sinh thực phẩm.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, và nguồn gốc xuất xứ.
Người tiêu dùng cũng cần kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, tránh mua những sản phẩm không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc bao bì bị hư hỏng. Nếu phát hiện cơ sở sản xuất hoặc bán lẻ vi phạm, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn nguy cơ gây hại.
Trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm không chỉ của các cơ sở sản xuất, chế biến mà còn của mỗi người tiêu dùng. Chọn lựa thực phẩm an toàn không chỉ là sự lựa chọn cho bữa ăn gia đình mà còn là cách bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân yêu.
Nguồn: https://baodautu.vn/ha-noi-xu-phat-gan-5-ty-dong-sau-1-thang-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-tet-d240748.html