(MPI) – Ngày 14/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 97/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. |
Ưu tiên đầu tư các dự án có sức lan tỏa lớn
Theo Kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên đầu tư các dự án có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh nội vùng, kết nối trục hành lang kinh tế phía Tây của vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam Bộ (các đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, Hồng Ngự – Trà Vinh, tuyến quốc lộ N1,…).
Ưu tiên đầu tư hạ tầng lưới điện; hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn phân vùng kinh tế động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài để phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng của tỉnh và liên vùng; đồng thời, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa tạo động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều đảm bảo an toàn đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Tỉnh khuyến khích đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh, phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đã được đầu tư. Xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự – trục động lực trung tâm, động lực chính của tỉnh, là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long; ba trục động lực kinh tế, ngành quan trọng và một số ngành, lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa để đảm bảo phù hợp với quan điểm phát triển, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội và phương án phát triển kết cấu hạ tầng đã được xác định tại Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: công nghiệp chế biến nông – thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp; năng lượng tái tạo; các khu nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; hạ tầng đô thị; hạ tầng thương mại; dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe; khu phi thuế quan, kho ngoại quan; cấp nước và môi trường; xử lý chất thải; hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,… dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7 – 7,5% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Đồng Tháp dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 477.000 tỷ đồng (với chỉ số ICOR 3,9-4,2, tương ứng tỷ lệ đầu tư/GRDP khoảng 28 – 30%), trong đó: tỷ trọng vốn khu vực Nhà nước, tỷ trọng vốn khu vực ngoài Nhà nước và tỷ trọng vốn khu vực FDI trong giai đoạn 2021-2025 lần lượt là 27,47%, 71,22% và 1,31%, giai đoạn 2026-2030 lần lượt là 23,8%, 73,7% và 2,5%.
Triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch trong thời gian tới bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển: Trong phạm vi được phân cấp, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho vùng động lực, hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng liên vùng, liên huyện, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp, cụm công nghiệp…
Về huy động vốn đầu tư phát triển, sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn do Nhà nước quản lý hiệu quả, đóng vai trò quan trọng hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm có tính tạo động lực lan tỏa.
Chú trọng huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thu hút theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngay khi trung ương ban hành quy định mới. Nghiên cứu xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP cho từng giai đoạn để thu hút nhà đầu tư, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông sản mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm.
Triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch, hạ tầng khu thương mại và logistics. Chuẩn bị tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh đầu tư các khu chức năng, khu dịch vụ phục vụ công nghiệp… theo quy hoạch được duyệt; như chuẩn bị địa điểm, phối hợp thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đào tạo nguồn nhân lực,…
Về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có chất lượng, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Về bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, chủ động ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, trong đó, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản các nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh. Nâng tỷ lệ vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, mạng kết nối vạn vật phục vụ chuyển đổi số toàn diện để phục vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên chuyển đổi số các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, thương mại điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, quản lý tài nguyên môi trường, giao thông và logistics. Phấn đấu đưa Đồng Tháp nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-15/Ke-hoach-thuc-hien-Quy-hoach-tinh-Dong-Thap-thoi-keo1wcc.aspx