(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tập trung phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo đạt chuẩn kỹ năng nghề, nhằm cung ứng cho thị trường lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có 16 KCN, tới đây triển khai thêm 5 KCN, hơn 2.200 dự án được cấp với vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD.
Mới đây, tỉnh có 18 dự án được cấp với vốn đầu tư trên 1.7 tỷ USD. Đặc biệt, Bắc Ninh còn thành lập trung tâm công nghệ thông tin, cùng đó là sự phát triển các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, nên sẽ rất cần tới nguồn nhân lực qua đào tạo nghề nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông Vũ Quang Khuê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, sức hấp dẫn của Bắc Ninh với các doanh nghiệp FDI là cơ hội để tỉnh phát triển nguồn nhân lực, thị trường đang cần khoảng 400.000 lao động. Tuy nhiên, hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%, nhiều doanh nghiệp khan hiếm nguồn nhân lực qua đào tạo.
“Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh là một trong những cơ sở GDNN trọng điểm của tỉnh về tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, trường ghi dấu ấn nổi bật với công tác tuyển sinh với trên 1.400 học sinh sinh viên; hơn 1.200 sinh viên của trường được tham gia trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp; 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Đây cũng là kết quả và hiệu ứng lan tỏa từ các chương trình phối hợp đào tạo song hành giữa nhà trường và doanh nghiệp”, ông Khuê cho biết.
Để có kết quả trên, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã có cách đi khác biệt và chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đó là nhà trường và doanh nghiệp cùng thành lập hội đồng tư vấn nghề triển khai đào tạo song hành.
Từ kết quả thực hiện thí điểm triển khai hội đồng tư vấn nghề cắt gọt kim loại và điện tử công nghiệp (theo tiêu chuẩn CHLB Đức) từ năm 2021 đến nay, trường và các doanh nghiệp như Goertek, Symkos đã cùng xây dựng chương trình đào tạo, thẩm định đánh giá kỹ năng chuyên môn cho người học.
Sinh viên phải trải qua các kỳ thi AP1, AP2 với các nội dung thực hiện thuần thục lý thuyết, thực hành và cho ra những sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên làm đồ án tốt nghiệp ngay tại doanh nghiệp và được các doanh nghiệp này nhận ngay vào làm việc.
Bởi vậy, chất lượng nguồn nhân lực thông qua chương trình hợp tác của trường được nhiều doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quốc tế GIZ đánh giá cao. Mặt khác, giảng viên nhà trường đến các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, lĩnh hội và cập nhật kiến thức công nghệ mới.
Ngược lại, kỹ sư của doanh nghiệp được nâng cao nghiệp vụ sư phạm, được cấp chứng chỉ sư phạm của nhà trường, mang lại hiệu quả trong công tác giảng dạy cho sinh viên tại doanh nghiệp.
“Năm 2025, nhà trường sẽ nâng quy mô tuyển sinh lên 1.600 học sinh, sinh viên, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành nghề mới mà doanh nghiệp đề cập như: AI ứng dụng, công nghệ bán dẫn…”, ông Khuê chia sẻ.
Văn Lý
Báo Lao động và Xã hội số 6
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/bac-ninh-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-dap-ung-doanh-nghiep-fdi-20250114112615895.htm