Theo Reuters, kế hoạch của Arm nhằm mục đích tăng doanh thu hằng năm lên 1 tỉ USD trong hơn 10 năm tới. Thông tin này được tiết lộ trong các tài liệu liên quan đến phiên điều trần giữa Arm và Qualcomm trong tranh chấp về quyền sử dụng công nghệ phát triển của Nuvia cho chip Snapdragon X.
Dự kiến, tỷ lệ phí bản quyền cho khách hàng có thể tăng lên tới 300%, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Đáng chú ý kế hoạch này đã được Arm ấp ủ từ năm 2019.
Chiến lược của Arm
Khoảng 3 năm trước, ban lãnh đạo Arm đã xem xét khả năng tham gia vào thị trường với các chip xử lý do chính họ thiết kế. Tuy nhiên, Arm vẫn chủ yếu kiếm lợi nhuận từ việc cấp phép cho các bên thứ ba sử dụng kiến trúc của mình để phát triển chip xử lý riêng. CEO Rene Haas khẳng định công ty không có ý định cung cấp chip xử lý mang thương hiệu Arm và các kế hoạch này chỉ được xem như một “cuộc thử nghiệm”.
Trong quá trình thử nghiệm, Arm đã có những cuộc trao đổi quan trọng với các khách hàng lớn. Vào tháng 10.2022, các giám đốc điều hành của Arm và SoftBank đã thông báo với Samsung rằng giấy phép sản xuất chip xử lý tương thích với Arm của Qualcomm sẽ hết hạn vào năm 2025.
Trước những thông tin này, đại diện của Samsung đã phải liên hệ với Qualcomm để xác nhận rằng giấy phép của Arm sẽ có hiệu lực đến năm 2033. Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi thứ không chắc chắn, Samsung đã quyết định giới hạn thời gian thỏa thuận cung cấp chip với Qualcomm xuống còn hai năm thay vì ba năm.
Dù kết quả ra sao, việc Arm tăng giá cấp phép chip có nghĩa các nhà sản xuất chip sẽ phải trả tiền bản quyền cho Arm, dẫn đến việc chi phí chuyển sang nhà sản xuất smartphone và đặc biệt là người tiêu dùng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/smartphone-sap-tang-gia-manh-vi-arm-1852501142302263.htm