Bầm tím là hiện tượng thường thấy khi cơ thể chịu chấn thương vật lý. Trong vài trường hợp, các vết bầm này cũng cần được theo dõi kỹ vì có thể là báo hiệu của nhiều bệnh lý đáng chú ý.
Nhận biết “tuổi” của vết bầm qua màu sắc
Khi các mô mềm của cơ thể bị chấn thương nhẹ, tĩnh mạch và mao mạch nhỏ dưới da (các mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể) đôi khi bị vỡ, khiến các tế bào hồng cầu rò rỉ ra ngoài và tích tụ, khiến khu vực đó chuyển sang màu đỏ, xanh, tím hoặc đen. Kích thước và mức độ nghiêm trọng của vết bầm tím phụ thuộc vào lực tác dụng trong quá trình chấn thương.
Theo bác sĩ Phạm Thị Thu Thảo, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), chúng ta thường có thể biết được “tuổi” của vết bầm qua màu sắc:
Vết bầm đỏ: Thường là vết bầm mới, do máu tươi giàu oxy tụ lại dưới da.
Xanh, tím hoặc đen: Sau 1-2 ngày, máu rỉ ra bắt đầu mất oxy và đổi màu. Tùy thuộc vào kích thước, vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết bầm, nó có thể xuất hiện các sắc thái xanh, tím hoặc đen.
Vàng hoặc xanh lá cây: Từ 5-10 ngày sau chấn thương ban đầu, vết bầm sẽ bắt đầu chuyển sang màu vàng hoặc xanh lá cây. Những màu này là kết quả của các hợp chất biliverdin và bilirubin, được sản xuất khi cơ thể cần phân hủy hemoglobin (máu).
Nâu vàng hoặc nâu nhạt: Đây là giai đoạn cuối của vết bầm và thường xảy ra trong khoảng 10-14 ngày sau chấn thương ban đầu.
Các bệnh lý liên quan và dấu hiệu chấn thương nguy hiểm
Cũng theo bác sĩ Thu Thảo, sau đây là những tình trạng làm tăng nguy cơ bị bầm tím và biến chứng đáng kể, cần được lưu tâm:
- Người từ 50 tuổi trở lên.
- Rối loạn chảy máu: Có liên quan đến các bệnh lý như bệnh gan, thiếu vitamin K hoặc rối loạn di truyền.
- Bệnh lý mạch máu.
- Rối loạn tiểu cầu.
- Bệnh thận.
- Bệnh bạch cầu, Ung thư máu.
- Suy dinh dưỡng.
- Bệnh máu khó đông A hoặc B (Hemophilia A/B).
- Hội chứng Cushing (liên quan đến rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận).
“Vết bầm tím thường là vết thương bề mặt tự lành mà không cần chăm sóc y tế và mọi người có thể tự điều trị an toàn tại nhà. Tuy nhiên, nếu bị chấn thương hoặc thương tích nghiêm trọng, có vết bầm tím không biến mất sau 2 tuần, người bệnh cần được thăm khám. Những người dùng thuốc làm loãng máu theo toa cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu họ bị ngã hoặc bị thương nặng, vì họ có nguy cơ bị bầm tím và biến chứng do bầm tím cao hơn”, bác sĩ Thu Thảo lưu ý.
Theo đó, người có vết bầm nếu xuất hiện kèm các biểu hiện sau cần đến gặp bác sĩ:
- Chảy máu bất thường ở nướu răng, chảy máu mũi thường xuyên hoặc có máu trong nước tiểu hoặc phân.
- Thường xuyên có vết bầm tím rất lớn và rất đau; Tê hoặc yếu ở bất kỳ vị trí nào ở chi bị thương.
- Sưng xung quanh vùng da bị bầm tím; Mất chức năng ở vùng bị ảnh hưởng (khớp, chân tay hoặc cơ).
- Tăng kích thước hoặc mật độ bầm; Cục u dưới vết bầm tím.
- Vết bầm tím dai dẳng trong hơn 2 tuần; Đau kéo dài hơn 2-3 ngày.
- Xương có khả năng bị gãy.
- Chấn thương ở đầu hoặc cổ.
- Suy giảm thị lực.
- Vết bầm tím không rõ nguyên nhân hoặc ngẫu nhiên, đặc biệt là ở bụng, đầu hoặc thân, vì điều này có thể báo hiệu vấn đề ở cơ quan nội tạng.
Cách giúp vết bầm tím lành nhanh hơn tại nhà
Vết bầm tím nhẹ đến trung bình thường lành sau 2 tuần hoặc nhanh hơn. Nếu muốn đẩy nhanh quá trình lành hoặc giảm đau liên quan đến vết bầm tím, sau đây là một số điều mà bác sĩ khuyên có thể làm tại nhà:
Chườm lạnh. Một trong những bước đầu tiên giúp vết bầm mau lành hơn là chườm đá vào vùng bị ảnh hưởng. Quấn túi chườm đá bằng một miếng vải sạch, khô và ấn vào vết bầm. Đá làm chậm quá trình chảy máu vì nó làm co mạch máu và giảm viêm, có thể giúp giảm kích thước tổng thể của vết bầm. Đặc biệt lưu ý, không bao giờ được chườm trực tiếp lên da vì có thể gây thêm thương tích (bỏng lạnh).
Kem bôi ngoài da. Các loại kem bôi ngoài da không kê đơn như arnica, quercetin, vitamin B3 hoặc vitamin K có tác dụng chống viêm giúp đẩy nhanh thời gian lành vết thương. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra loại kem phù hợp.
Lưu ý: Không bao giờ được sử dụng arnica trên vùng da bị trầy xước, bị bệnh chàm hoặc các tình trạng da khác.
Quấn băng. Quấn băng đàn hồi mềm trong 1-2 ngày đầu có thể giúp giảm đau, giảm bầm. Băng quấn phải chắc chắn, nhưng không quá chặt. Nếu thấy tê, ngứa ran hoặc khó chịu, cần nới lỏng hoặc tháo băng quấn.
Nâng cao vùng bị bầm tím. Nâng vùng bị bầm tím lên cao hơn tim với một tư thế thoải mái nếu có thể. Điều này giúp làm chậm chảy máu và có thể làm giảm kích thước của vết bầm tím.
Sự khác biệt giữa vết bầm tím và tụ máu
Theo bác sĩ Thu Thảo, các khối máu tụ tương tự như vết bầm tím, nhưng nghiêm trọng hơn và các triệu chứng phát triển nhanh như: Lớn hơn, sâu hơn và có xu hướng sưng đáng kể hơn so với vết bầm tím thông thường.
Các khối máu tụ ở đầu, mặt và bụng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau chấn thương đầu, mặt hoặc bụng, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng tiếp theo:
Đầu: Máu tụ trong sọ có thể gây đau đầu, nôn mửa, buồn nôn, nói ngọng và lú lẫn.
Mặt: Tụ máu vách ngăn mũi làm mũi và vùng dưới mắt sưng và bầm tím. Có thể bị chảy máu mũi hoặc dịch trong chảy ra từ mũi.
Bụng: Tụ máu ở bụng ban đầu có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng có thể dẫn đến sưng, đau.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-dau-hieu-nao-cua-vet-bam-can-phai-di-kham-185250114233501003.htm