(MPI) – Ngày 13/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, tỉnh Trà Vinh sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo động lực, sức lan tỏa, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng khu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật đô thị bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông nhằm thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng (kết nối 02 vùng kinh tế – xã hội phía Đông và phía Tây của tỉnh) gắn với 03 trục động lực phát triển (trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, trục phát triển theo hướng Bắc – Nam và trục phát triển theo hướng Đông – Tây) và 03 cửa ngõ kết nối của tỉnh (cửa ngõ phía Tây Bắc, cửa ngõ phía Tây Nam và cửa ngõ phía Đông); hạ tầng giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng khó khăn của tỉnh và phục vụ quốc phòng, an ninh.
Với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, sẽ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh trên cơ sở các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư dẫn dắt bởi các dự án đầu tư công, phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đã được đầu tư. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các dự án lớn có tính chất liên kết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm đúng quan điểm, định hướng phát triển, phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Kế hoạch nêu rõ, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 387.762 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 160.000 tỷ đồng và khoảng 227.762 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030.
Các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Định An; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại; các Khu đô thị – Dịch vụ – Công nghiệp, Khu dịch vụ – công nghiệp; logistics; các Khu sản xuất, chế biến nông, thủy sản; cảng thủy nội địa – hành khách; các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Một trong những giải pháp được Kế hoạch đưa ra là giải pháp về thu hút đầu tư phát triển. Theo đó, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn thu; ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn trung ương hỗ trợ, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa và kết nối, liên kết vùng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.
Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghiên cứu, xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP cho từng giai đoạn để thu hút nhà đầu tư, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo lợi thế trong việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Trà Vinh sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; có cơ chế chính sách bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống ổn định, lâu dài trên địa bàn. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động, đặc biệt đối với các ngành ngành kinh tế, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng (thủy sản, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, logistics và cảng biển). Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-14/Tra-Vinh-uu-tien-thuc-hien-cac-du-an-ket-cau-ha-tawrx2w7.aspx