Mới đây, cuốn sách “Tự sự Quảng Tây về tình hữu nghị Trung-Việt” và bộ phim “Biên Hải” đã được giới thiệu tại Trung Quốc.
Cuốn sách “Tự sự Quảng Tây về tình hữu nghị Trung-Việt” do Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây biên soạn.
Nguyen Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây Hoàng Tranh (Huang Zheng) cho biết cuốn sách này mô tả một cách có hệ thống 4 sự kiện trong lịch sử hiện đại của Quảng Tây phản ánh tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cuốn sách tập trung vào những chủ đề chính như dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây, trường học Việt Nam ở Quế Lâm (Guilin), bệnh viện hậu phương Quảng Tây trong Chiến tranh Việt Nam và “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” bắt đầu từ Quảng Tây.
Ra mắt cuốn sách “Tự sự Quảng Tây về tình hữu nghị Trung-Việt”. (Ảnh: Nhật báo Quảng Tây). |
Cuốn sách cũng miêu tả chi tiết các hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quế Lâm, Liễu Châu (Liuzhou), cũng như tại các huyện ở biên giới Trung-Việt như Tịnh Tây (Jingxi), Long Châu (Longzhou), Nà Po (Napo) từ năm 1938 – 1945. Trong giai đoạn 1950 – 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm Quảng Tây, gặp gỡ nhiều người dân địa phương và nhiệt tình truyền bá lịch sử hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp những tư liệu lịch sử ghi lại quá trình thành lập trường học Việt Nam tại Quảng Tây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sự hỗ trợ của các bệnh viện hậu phương Quảng Tây và việc vận chuyển khẩn cấp, bí mật các vật liệu cứu trợ cho Việt Nam qua “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Tất cả điều này đã phản ánh một cách sống động tình cảm sâu sắc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Tây, được thiết lập trong cuộc đấu tranh cách mạng.
Bộ phim “Biên Hải” lấy cảm hứng từ tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, vừa được Trung tâm Nghệ thuật điện ảnh thuộc Liên đoàn Văn học Nghệ thuật Trung Quốc giới thiệu tại Bắc Kinh.
“Biên Hải” do Ban Tuyên truyền Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và Cục Điện ảnh Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây chỉ đạo sản xuất.
Lấy bối cảnh là quang cảnh độc đáo của thành phố Phòng Thành Cảng, nội dung bộ phim kể về câu chuyện tình yêu cảm động giữa A Dũng – một chàng trai người dân tộc Kinh và A Hoa – một cô gái Việt Nam. Cuộc gặp gỡ của họ diễn ra tại một khu chợ biên giới đông đúc và náo nhiệt. Theo thời gian, tình yêu và ước mơ đã trở thành động lực để họ vượt qua núi non và biển cả. Ở nơi đất khách quê người, câu chuyện tình yêu và tuổi trẻ của họ đầy chất thơ và nhiệt huyết.
Bộ phim thể hiện tình cảm chân thành giữa người Trung Quốc và người Việt Nam thông qua lời kể tinh tế, qua đó nêu bật ý nghĩa của giao lưu văn hóa giữa hai bên.
Là bộ phim trong nước đầu tiên lấy đề tài về thương mại biên giới, phản ánh sự giao lưu hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, bộ phim “Biên Hải” không chỉ là câu chuyện tình yêu vượt biên giới và vượt qua rào cản ngôn ngữ, mà còn là lời tri ân nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Việt Nam và “Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc – Việt Nam”.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/ra-mat-sach-va-phim-ve-tinh-huu-nghi-trung-quoc-viet-nam-209448.html