Xúng xính áo dài, nghe hát quan họ, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, chơi cà kheo, nhảy sạp…, sinh viên quốc tế thích thú khi được hưởng không khí Tết Việt.
Sáng 14-1, đông đảo sinh viên quốc tế đã cùng các sinh viên, cán bộ, giảng viên Trường đại học Ngoại thương tham gia trải nghiệm Tết Nguyên đán tại lễ hội “Tết sum vầy – Xuân bình an”.
Nhiều sinh viên quốc tế đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Lào… đã cùng các bạn bè, thầy cô xúng xính áo dài đón Tết Việt.
Tham dự chương trình, Nathan Daniel Figueroa (20 tuổi, đến từ Mỹ), sinh viên trao đổi tại Trường đại học Ngoại thương, đã cùng các bạn trong lớp tham gia phần thi bày mâm ngũ quả.
Dù chỉ mới sang Việt Nam được 2 tuần nhưng Nathan Daniel đã tự tin đứng ra thuyết trình cho ý tưởng bày mâm ngũ quả “Tết ngọt – Tết thơm” của nhóm.
Theo Nathan Daniel, ý tưởng trình bày mâm ngũ quả được lấy cảm hứng từ chuyến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò, được nghe những câu chuyện về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Bên cạnh đó còn có sự tìm hiểu trên mạng và những đóng góp ý tưởng của các thành viên trong nhóm.
“Tôi rất vui khi năm nay lần đầu tiên được ăn Tết tại Việt Nam. Tôi sẽ ăn Tết với một số sinh viên người Việt Nam và các sinh viên trao đổi tại trường. Sau đó, bố mẹ tôi sẽ đến Việt Nam để chơi dịp này, cả nhà dự định đến Sài Gòn trải nghiệm”, Nathan Daniel nói.
Tương tự, Hortense (20 tuổi, đến từ Pháp), sinh viên trao đổi tại Trường đại học Ngoại thương, chia sẻ đã rất hào hứng khi nghe tin trường tổ chức chương trình trải nghiệm Tết.
“Vài ngày trước tôi hỏi bạn cùng lớp thì được biết trước Tết người Việt Nam sẽ tất bật mua sắm, chuẩn bị đồ ăn thức uống. Đến ngày Tết mọi người sẽ tụ họp lại, có những bữa cơm sum vầy cùng họ hàng.
Nghe vậy tôi rất háo hức tham gia sự kiện vì muốn tìm hiểu văn hóa Tết truyền thống tại Việt Nam. Đây là lần thứ hai tôi mặc áo dài của Việt Nam, cảm giác rất thoải mái, rất yêu thích và mong muốn có nhiều dịp để mặc thêm những kiểu dáng khác”, Hortense nói.
Louis Wald (20 tuổi, đến từ Đức), cũng vừa đến Việt Nam du học được 1 tuần theo chương trình trao đổi. Được học gói bánh chưng, nghe giải thích ý nghĩa từng nguyên liệu gắn với những dữ kiện lịch sử, Louis Wald cho biết bản thân đã có sự kết nối hơn với văn hóa Việt Nam.
Những làn điệu quan họ, trầu têm cánh phượng góp mặt trong chương trình
“Lý do tôi chọn đến Việt Nam du học theo chương trình trao đổi vì Việt Nam đang phát triển, có nhiều sự thay đổi nhanh chóng, ngoài ra tôi cũng muốn khám phá thêm về văn hóa của người Việt”, Louis Wald nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sinh-vien-phap-my-duc-mac-ao-dai-goi-banh-chung-don-tet-viet-20250114145151895.htm