Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên đã áp dụng, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, “tiếp sức” cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP để kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Thành viên Hợp tác xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thu hoạch lúa đặc sản gạo Nếp Tài. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Được “tiếp sức”, các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP đã kết hợp hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực hỗ trợ, hoàn thiện các khâu, quy trình sản xuất, đóng góp, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chất lượng tạo nên thương hiệu
Đến nay, ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng đã có 662 sản phẩm OCOP, từ 3 đến 5 sao. Các sản phẩm đã có chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường trong nước, một số sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản. Ba địa phương đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP bằng những việc làm, giải pháp đồng bộ và thiết thực. Trong đó, địa phương tập trung hỗ trợ chủ thể sản xuất giải pháp giữ vững, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, hỗ trợ thiết kế, xây dựng và sử dụng bao bì, mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng hỗ trợ chủ thể ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm; đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Cao Bằng xác định, để sản phẩm OCOP đứng vững, mở rộng thị trường tiêu thụ và chiếm lĩnh được thị trường, bên cạnh yếu tố mẫu mã bao bì đẹp, kết nối tiêu thụ sản phẩm tốt, thì việc bảo đảm chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Năm 2024, địa phương đã khảo sát, lựa chọn, hỗ trợ chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP áp dụng chứng nhận HACCP – tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn thực phẩm.
Ông Ninh Văn Tuyến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HATODO, ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) chia sẻ, Bảo Lạc là huyện miền núi có nhiều tiềm năng về dược liệu. Trên cơ sở tiềm năng đó, công ty đã khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương phát triển các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gồm, hà thủ ô đỏ, khoai sâm, linh chi và gạo nếp hương đặc sản. Tuy nhiên, để sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn khắt khe, họ cần một quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, việc Sở Công thương tỉnh Cao Bằng hỗ trợ, giúp đỡ công ty đạt được chứng nhận HACCP đã giúp công ty xây dựng được quy trình kiểm soát, bảo đảm sản phẩm được sản xuất ra có chất lượng cao, ổn định. Qua đó, mở ra cơ hội để bốn sản phẩm OCOP của công ty duy trì ổn định, mở rộng tiêu thụ tại thị trường trong nước và hướng tới tìm kiếm đối tác, khách hàng ở thị trường nước ngoài.
Tại Bắc Kạn, Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đang sở hữu thương hiệu rượu men lá Bằng Phúc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Giám đốc Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm Nông Thị Tâm chia sẻ, bên cạnh nội lực của đơn vị, đến nay, hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ khoảng hai tỷ đồng từ các chính sách để đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết kế nhãn mác, xây dựng quy trình bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, sản phẩm của hợp tác xã đã được doanh nghiệp đối tác lựa chọn, khảo sát, kiểm định và đáp ứng các yêu cầu chất lượng, xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó, Phú Bình là huyện có nền sản xuất nông nghiệp phát triển của tỉnh Thái Nguyên với nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản, chăn nuôi phong phú; trong đó có 33 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, bảo đảm chất lượng, được thị trường chấp nhận, ưa chuộng. Các sản phẩm gà đồi, nước tương, cao ngựa bạch, dăm bông bò và khô bò của địa phương được tiêu thụ rộng rãi ở trong và ngoài tỉnh. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi bò và Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My Dương Văn Hồng chia sẻ, nhờ chất lượng bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, năm 2024 hợp tác xã tiêu thụ hàng tấn dăm bông bò và khô bò. Bí quyết thành công của đơn vị là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm và từng bước nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào. Hợp tác xã có 35 thành viên, trong đó 15 thành viên nuôi 500 con bò thịt theo quy trình tuần hoàn, an toàn sinh học nên chất lượng thịt nguyên liệu đầu vào được bảo đảm, từng bước được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm dăm bông và khô bò của đơn vị, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, giúp các sản phẩm đứng vững trên thị trường, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Nam cho biết, địa phương quan tâm hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kiểm soát sản xuất chặt chẽ bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng bao bì mẫu mã sản phẩm đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, địa phương quan tâm hỗ trợ các chủ thể sản xuất quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng khách hàng. Qua thống kê thời gian qua, các sản phẩm được xếp hạng OCOP đều xây dựng, phát triển được thương hiệu và có doanh thu tăng từ 20% trở lên sau khi được xếp hạng, dán nhãn sản phẩm OCOP.
Kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm
Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên luôn quan tâm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP. Bởi khá nhiều cơ sở cần được hỗ trợ quảng bá, kết nối, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, các địa phương đã quan tâm, hỗ trợ các chủ thể quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Bắc Kạn là địa phương có cách làm trúng, đúng và hiệu quả trong hỗ trợ kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Thắng chia sẻ, với nỗ lực quảng bá, kết nối, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, đến nay, hàng trăm sản phẩm nông sản, OCOP của địa phương đã ký được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong cả nước. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng cơ hội tiếp cận khách hàng. Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, tỉnh Bắc Kạn định kỳ tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ nông sản. Thông qua các hội nghị đó đã kết nối, mời gọi các nhà phân phối, đơn vị bán lẻ tại các tỉnh, thành phố, các sàn thương mại điện tử tham gia sự kiện và hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh.
Qua các hội nghị kết nối cung cầu, nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh ký bản ghi nhớ hợp tác cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với Tập đoàn General Group-Big C, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Tập đoàn AEON-Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành tham gia sàn thương mại điện tử thế giới (https://www.alibaba.com/), cũng như lựa chọn 50 sản phẩm tiêu biểu tham gia các sàn thương mại điện tử https://shopee.vn và https://www.sendo.vn; đồng thời lựa chọn và đưa 50 sản phẩm của năm doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử Lazada và Backanmarket; phối hợp Bưu điện tỉnh Bắc Kạn lựa chọn được 104 sản phẩm OCOP, nông sản hàng hóa trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn; xây dựng và vận hành Sàn thương mại điện tử Bắc Kạn tại địa chỉ backanmarket.vn. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP và nông sản Bắc Kạn được đăng tải thông tin, mua bán trực tuyến tại Sàn thương mại điện tử Bắc Kạn, mở ra cơ hội rộng rãi tiếp cận thịa trường trong nước và nước ngoài. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đang tiêu thụ khá tốt tại thị trường trong nước và có hai sản phẩm OCOP 5 sao được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản.
Trong số hơn 300 sản phẩm OCOP đã được công nhận, tỉnh Thái Nguyên có 154 sản phẩm trà. Đây là sản phẩm chủ lực, có diện tích vùng nguyên liệu hơn 22 nghìn ha, sản lượng lớn. Đây cũng là sản phẩm được hưởng lợi lớn nhất thông qua các chương trình hỗ trợ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo cho biết, nhờ áp dụng chuyển đổi số, tham gia thị trường thương mại điện tử, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống tại các trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ trên cao tốc, siêu thị, hợp tác xã đã mở rộng được thị trường, khách hàng thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, gia tăng đáng kể doanh thu của hợp tác xã.
Thời gian qua, Cao Bằng đã tăng cường công tác hậu kiểm sau khi đã thẩm định, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể sản xuất giữ vững, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hỗ trợ các chủ thể ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; đổi mới thiết kế, xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP. Trong công tác hỗ trợ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, địa phương tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối, hỗ trợ chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, sự kiện quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng tập huấn, trang bị kỹ năng về quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng mạng xã hội cho chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối khách hàng.
Chia sẻ về nỗ lực phát triển, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, đồng chí Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chia sẻ, đến nay, các sản phẩm OCOP của địa phương từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường, được người tiêu dùng tích cực đón nhận. Có được kết quả đó là nhờ sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể sản xuất. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, “tiếp sức” để các sản phẩm OCOP duy trì thị trường tiêu thụ ổn định, hướng tới từng bước mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài.