Dọc dài miền Trung có những ngôi làng bình dị nhưng lạ lẫm: lạ từ gốc tích đến tập tục xưa, đời sống sinh hoạt nay…
Từng là ngôi làng trù phú bên sông Hương thơ mộng, sau khi triều Nguyễn xây dựng kinh thành Huế, ngôi làng bị giải tỏa khiến dân làng tứ tán…
ĐÌNH LÀNG DUY NHẤT ĐƯỢC VUA GIỮ LẠI
Đình Phú Xuân hiện tại nằm trên đường Thái Phiên (P.Tây Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), là ngôi đình làng duy nhất được triều Nguyễn giữ lại trong Kinh thành và giao Bộ Lễ tế lễ hằng năm. Đình làng hiện có 2 công trình chính, trong đó phần đình họp là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái dài 17,8 m, rộng 10,6 m, sau này công trình được xây dựng lại nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn ngôi đình làng chính nằm phía sau với kiến trúc nhà rường dài 10,5 m, rộng 15,9 m, xây dựng theo kiểu “thượng song hạ bản”; các đường xuyên thổ, liên ba làm bằng gỗ lim, chạm trổ hoa lá cách điệu, mái lợp ngói liệt. Đây là nơi thờ thành hoàng, thổ địa cùng 7 họ khai canh: Hồ, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Trương, Trần, Phạm.
Ông Nguyễn Văn Diệm (87 tuổi, cố vấn Ban đại diện của làng Phú Xuân, nguyên Phó ban phụ trách văn hóa, lịch sử của làng) cho biết lịch sử hình thành làng Phú Xuân được ghi chép từ mốc lịch sử năm 1306, khi vua Chiêm là Chế Mân dâng 2 châu Ô, Rí làm của hồi môn cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần. Đến năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa và cử tướng Đoàn Nhữ Hài vào nhận đất đai, chia quân cai trị.
Khi tạm ổn định, vua Trần Anh Tông lệnh cho ngài Đại học sĩ Hoàng Thái Sơ (gốc làng Thụy Lôi, trấn Sơn Nam Thượng, Hà Nam) đem dân vào Nam khai hoang lập ấp. Trước khi đi, ngài chiêu mộ và được 7 họ tộc gồm Hồ, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Trương, Trần, Phạm hưởng ứng, đem gia quyến, gia nhân đi theo. Khi đến bờ sông Lô Dung (tức sông Hương ngày nay), thấy cảnh vật xanh tươi, đất đai màu mỡ, địa thế phong thủy tốt đẹp nên ra lệnh hạ trại, lập ấp, lập làng lấy tên lúc đầu là Tổng Thụy Lôi. Ban đầu địa phận Tổng Thụy Lôi kéo dài từ Kim Long đến An Hòa, Bao Vinh, Phủ Hiệp, chợ Cống, An Cựu, Từ Hiếu, Bạch Hổ và thêm xứ Lâm Lộc (bên kia sông Hương)… Thời gian sau, cư dân Tổng Thụy Lôi cho lập đình làng ở cạnh sông Hương (nay là khu vực Phu Văn lâu trước đại nội), đổi tên làng thành Phú Xuân. “Phú là giàu, Xuân là trẻ, với ước vọng đây là vùng đất mãi mãi tươi trẻ và phát triển về sau”, ông Diệm lý giải.
NHƯỜNG ĐẤT LÀM KINH ĐÔ
Khi quân Tây Sơn đánh thắng quân nhà Nguyễn, vua Quang Trung lên ngôi tại núi Bân vẫn cho giữ nguyên tên gọi Phú Xuân, lúc này kinh thành Huế vẫn chưa xây dựng. Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn và chiếm lại được Phú Xuân, vua Gia Long nhà Nguyễn sai Giám thành là ông Nguyễn Văn Yến lo việc khoanh vùng, quy hoạch để chuẩn bị xây dựng kinh thành mới. Vua lệnh cho dân chúng thuộc các tổng xã Phú Xuân phải di tản ra khỏi vùng xây dựng kinh thành mới, kể cả đền chùa, miếu mạo… Tuy vậy, nhà vua cho giữ lại ngôi đình Phú Xuân, nhưng dời lui phía sau hoàng thành.
Theo ông Huỳnh Viết Bút (70 tuổi, P.Thuận Lộc, hiện là Phó ban thường trực của làng Xuân Phú), tương truyền khi dời đình làng về nơi mới dưới triều vua Minh Mạng, đội gánh kiệu ban đầu có 4 người nhưng khiêng án thờ thành hoàng nhấc mãi không lên. Vua cho tăng dần số lượng, lên tới 20 người vẫn không nhấc nổi kiệu. Lúc này, nhà vua phải đích thân ra đứng lễ, ban chỉ dụ do vâng mệnh trời phải lập kinh đô trên đất của làng để vững bền xã tắc, nên phải dời đình làng về nơi mới. Nhà vua hứa sẽ chuyển đình làng đến một nơi có vị trí đẹp, cao ráo nhất trong kinh thành, thuộc hướng tây của đại nội, ngay lập tức 4 người khiêng kiệu đã nhấc lên nhẹ nhàng, ông Bút kể.
Nhà vua đặc ân cho đình Phú Xuân được tế lễ vào ngày mồng 5 và 6.6 âm lịch hằng năm. Sau khi làng Phú Xuân trong kinh thành tế lễ xong, các làng khác mới được làm lễ thu tế. Theo ông Nguyễn Văn Diệm, tiền nhân làng Phú Xuân có công trạng rất lớn nên được các vua nhà Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong (làng đang cất giữ 20 sắc phong). Năm 1994, đình làng Phú Xuân được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.
KHÔNG QUÊN NGUỒN CỘI
Sau khi dời làng, vua ban sắc chỉ người làng Phú Xuân được đi khắp nơi để lập nghiệp, đến đâu cũng có thể lập làng lấy tên Phú Xuân để nhận diện người dân gốc kinh đô Huế. Do đó, sau này phía tây kinh thành đã lập ra thôn Phú Xuân (nay thuộc P.Kim Long); một số đi về phía đông vùng Bãi Dâu, hình thành nên xóm Bàu Cháu, Hợp Phố đã lập thành làng Phú Xuân (nay thuộc P.Gia Hội). Phần còn lại về phía đông nam, lập làng Phú Xuân (nay là P.Xuân Phú). Làng Phú Xuân ở gần làng Phước Tích cũng đã nhập với Phước Tích thành làng văn hóa Phước Phú (ở xã Phong Hòa, H.Phong Điền). Riêng tại H.Hải Lăng (Quảng Trị) còn có 2 thôn gốc làng Phú Xuân, giờ thuộc xã Hải Phú và xã Hải Xuân. Sau này khi nhà nước có chương trình kinh tế mới, người dân Huế lên Tây nguyên lập các làng Phú Xuân tại Lâm Đồng, tại Krông Năng (Đắk Lăk)… và đa số có gốc gác dân làng Phú Xuân của Huế.
Ông Nguyễn Văn Diệm cho hay mong muốn lớn nhất của con dân làng Phú Xuân là dáng vóc của đình làng được quan tâm gìn giữ, bảo tồn. Hiện tại, ngôi đình họp vẫn dùng mái tôn công nghiệp, đã xuống cấp, dột nát. “Đây là di tích quốc gia nên chúng tôi cũng khó tự ý để chỉnh trang, mong chính quyền quan tâm để khắc phục”, ông Diệm nói. Còn theo ông Bút, lễ tế mỗi năm các họ có gốc từ làng Phú Xuân đều cử đại diện đến dự, còn tổng số con dân thì quá đông, chưa thể thống kê được cụ thể. “Gần đây mới tổ chức một chương trình khuyến học để khen thưởng con em của làng. Các bô lão luôn đau đáu chuyện làm sao để con em mình hiểu về lịch sử, biết nguồn cội. Cho dù ly tán mười phương, không quên nguồn cội Phú Xuân, kinh thành”, ông Bút nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lang-la-mien-trung-lang-nhuong-dat-cho-kinh-do-hue-185230524002338678.htm