Tối nay và rạng sáng mai (13 – 14.1) trăng tròn cuối cùng của năm Giáp Thìn 2024 tỏa sáng trên bầu trời Việt Nam. Thời điểm này, nhiều nơi trên thế giới được chiêm ngưỡng hiện tượng Trăng Sói ‘nuốt’ chửng sao Hỏa. Người Việt có xem được?
Trăng Sói năm nay là trăng tròn đầu tiên của năm dương lịch 2025 và cũng là trăng tròn tháng chạp, trăng tròn cuối cùng của năm Giáp Thìn trước khi người Việt đón trăng tròn của năm mới Ất Tỵ 2025.
Vì sao là Trăng Sói?
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mặt trăng sẽ đạt đến pha trăng tròn tháng chạp âm lịch vào lúc 5 giờ 26 phút sáng ngày 14.1. Đây cũng là lần trăng tròn cuối cùng trong năm Giáp Thìn. Vào thời điểm này, bạn có thể quan sát mặt trăng trong suốt đêm khi nó mọc lên vào lúc hoàng hôn và chỉ lặn đi khi bình minh đến.
Trăng tròn đầu tiên trong năm dương lịch 2025 này còn được biết đến với cái tên là Trăng Sói. Người ta cho rằng tên này có nguồn gốc từ tiếng Celtic và tiếng Anh cổ, được những người định cư châu Âu mang đến Bắc Mỹ xuất phát từ việc sói hú vào thời điểm này trong năm.
Sói hú là hành động để chúng giao tiếp ở khoảng cách xa. Không có dấu hiệu nào cho thấy các pha mặt trăng đóng vai trò cụ thể trong tiếng gọi của loài sói, nhưng sói là một loài động vật hoạt động về đêm và chúng thường hướng lên bầu trời để tiếng hú truyền được xa hơn.
Tại thời điểm đạt đến pha đầy đủ, mặt trăng sẽ có xích vĩ là 25°53′ trong chòm sao Gemini (Song Tử). Nó sẽ ở cách chúng ta khoảng 381.000 km. Trong những đêm sau đó, mặt trăng sẽ mọc muộn hơn khoảng 1 giờ mỗi ngày và chỉ xuất hiện trên bầu trời khi dần về khuya. Một tuần sau thời điểm trăng tròn, mặt trăng sẽ đạt đến pha hạ huyền, khi đó, nó sẽ mọc lên vào lúc nửa đêm.
Chuyện gì sẽ xảy với mặt trăng và sao Hỏa ra tối nay?
Chuyên gia cho biết vào ngày 13.1, sao Hỏa sẽ biến mất sau trăng tròn trong vài giờ trong hiện tượng che khuất mặt trăng. Điều trùng hợp là hiện tượng này xảy ra khi hành tinh đỏ đi vào vị trí đối lập, tức sao Hỏa nằm đối diện trực tiếp với mặt trời khi từ trái đất nhìn lên bầu trời.
Theo Livescience, sao Hỏa sẽ biến mất phía sau rìa dưới của mặt trăng lúc 20 giờ 44 phút tối nay 13.1, sau đó xuất hiện sau rìa trên mặt trăng lúc 00 giờ 52 rạng sáng mai 14.1 theo giờ địa phương.
Đây là khoảng thời gian sao Hỏa lớn nhất trên bầu trời khi nhìn từ trái đất nên người yêu thiên văn có thể dễ dàng nhìn thấy hành tinh này bằng mắt thường. Hành tinh này sẽ có màu hơi ngả vàng. Tốt hơn nếu quan sát hiện tượng này qua ống nhòm hoặc kính thiên văn.
Đáng tiếc, chỉ một số khu vực nhất định trên trái đất có thể quan sát hiện tượng mặt trăng che khuất bao gồm khu vực Bắc Mỹ và một phần của Tây Phi. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể quan sát thấy hiện tượng này.
Tuy nhiên, việc chiêm ngưỡng trăng tròn cuối cùng của năm âm lịch cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị. Trăng tròn sau Trăng Sói sẽ là Trăng Tuyết, sẽ tròn vào ngày 12.2.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/trang-tron-cuoi-nam-giap-thin-toi-nay-nguoi-viet-xem-duoc-trang-soi-nuot-sao-hoa-185250113102811698.htm