Thưởng thức di sản phi vật thể qua các tour du lịch
Đón xuân sang, tại không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội), vở cải lương “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng với du khách. “Cành khế ngọt” là vở diễn nằm trong dự án xây dựng các “Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” được Bộ VH,TT&DL chỉ đạo.
Tác phẩm đưa người xem trở lại những năm 30 của thế kỷ XX, khi Nhân dân ta phải sống trong cảnh “1 cổ 2 tròng”, dưới hai tầng áp bức. Vở diễn nhắc lại những ký ức đau buồn của quá khứ để thấy được giá trị đích thực của độc lập, tự chủ, hoà bình và ổn định xã hội hôm nay, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết, hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trong vở diễn này, đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã sử dụng các làn điệu chọn lọc của âm nhạc cải lương như: Vọng cổ, Nam ai, Văn Thiên tường, Kim Tiền bản, Bài Hạ, Xàng xê, các điệu lý, các bản nhỏ… Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trọng Đài đã đưa vào 8 ca khúc sáng tác mới dựa trên những âm hưởng truyền thống, dân gian như vè, đồng dao, dân ca Bắc Bộ và cả nhạc hiếu… đã làm nên bữa tiệc âm nhạc vô cùng thú vị, làm vừa lòng không chỉ với những khán giả yêu cải lương mà cả những khán giả mới tiếp cận cải lương. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Cành khế ngọt” vốn dĩ là một kịch bản thuần cải lương nhưng khi đưa vào chương trình phục vụ khách du lịch, chúng tôi đã đưa vào rất nhiều chất liệu văn hoá truyền thống dân gian từ nếp ăn ở, phong tục tập quán hội hè của người Việt. Hình thái âm nhạc tân – cổ giao duyên vốn đã có từ trước đây, nhưng đưa nhiều ca khúc vào một vở cải lương thì hầu như chưa được áp dụng. Vì vậy, thử nghiệm lần này cũng với mục đích tiếp cận nhiều hơn các tầng lớp khán giả mới, đặc biệt là khán giả trẻ. Các bạn trẻ, các du khách trong nước và quốc tế sẽ cảm nhận sự tương đồng giữa một nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam với các loại hình nhạc kịch thế giới. Tới đây, Nhà hát sẽ hoàn thiện nội dung giới thiệu, phụ đề bằng tiếng Anh để phục vụ khán giả người nước ngoài”.
Dịp này, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ trấn” cũng được tổ chức tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Thăng Long – Tứ Trấn gắn với sự ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, là truyền thuyết và di tích hiện hữu về 4 vị thần hộ pháp linh thiêng trấn giữ kinh thành Thăng Long: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh. Đây còn được coi là 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa của nó trong tín ngưỡng của người Việt. “Thăng Long – Tứ trấn” có sự tham gia của 6 nhà hát gồm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Cũng được Bộ VH,TT&DL đặt hàng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã ra mắt vở diễn mang tên “Khúc đồng dao”, kết hợp nghệ thuật múa rối truyền thống và hơi thở hiện đại. Vở diễn “Khúc đồng dao” (tác giả Dương Dũng, đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng) lấy cảm hứng từ các bài đồng dao – kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới, chương trình “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ” do Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện và trình diễn tại rạp Hồng Hà. Tại đây, khán giả, du khách được hoà mình vào không gian nghệ thuật bằng nhiều giác quan: được ngắm những bộ trang phục biểu diễn cùng các loại đạo cụ, nhạc cụ truyền thống khác nhau; nghe về lịch sử và quá trình phát triển của tuồng cũng như được hiểu thêm về loại hình sân khấu đặc biệt này.
Đặc biệt, trước khi bắt đầu biểu diễn, chương trình cũng đã có màn giới thiệu các nhân vật có mặt trong vở diễn như: nhân vật Tạ Ôn Đình, nhân vật Khương Linh Tá, nhân vật Đổng Kim Lân và Lôi Phong. Mỗi nhân vật đều được miêu tả chi tiết từ ngoại hình cho tới tính cách. Khán giả được thưởng thức hai trích đoạn trong “Ôn Đình chém Tá” và “Kim Lân qua đèo” hai vở tuồng kinh điển, mẫu mực nhất trong nghệ thuật tuồng truyền thống. Khán giả được xem những kỹ thuật biểu diễn tuồng đặc trưng như: múa giáo, tay khai, chân co, các tổ hợp múa bắt ngựa… Đầu năm 2025, Nhà hát Tuồng Việt Nam có kế hoạch bán vé chương trình nghệ thuật, tần suất vào khoảng từ 1 – 4 buổi/1 tháng để phục vụ khách du lịch cũng như các khán giả yêu thích bộ môn tuồng.
Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với du khách quốc tế
Hà Nội là địa phương tập trung nhiều nhà hát lớn nhất cả nước, là nơi gìn giữ và phát triển các loại hình văn hoá dân gian truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca trù, quan họ, rối nước… Hiện nay con số người nước ngoài đến sống, học tập, làm việc và du lịch ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng ngày càng gia tăng. Vậy tại sao chúng ta không nắm bắt cơ hội này để giới thiệu những nét văn hóa cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống đến với họ?
Luôn đau đáu câu hỏi đó, những năm qua, các nhà hát tuồng, chèo, cải lương, kịch… đã tìm nhiều hướng đi mới để thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả quốc tế. Ngành Du lịch có thêm những điểm đến thực sự hấp dẫn du khách nước ngoài, đồng thời qua đó các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc cũng được giới thiệu, bảo tồn và phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, để du khách quốc tế dễ cảm thụ nghệ thuật, các nhà hát cần chú trọng hơn phần lời dịch. Bởi lời dịch là “linh hồn” của các vở diễn. Ngôn ngữ, ý tứ của Việt Nam vốn rất đa dạng, phong phú, nhiều khi còn có ý bóng, ý ngầm. Trong khi đó, với tiếng Anh họ chỉ hiểu theo một chiều nên nếu không tìm được nghĩa tương đương sẽ khiến du khách hiểu sang một nghĩa khác. Chính vì vậy, các nhà hát cần lựa chọn người dịch thật sự am hiểu về nghệ thuật cải lương, chèo, tuồng, kịch và thông thạo tiếng Anh mới có thể chuyển tải đúng ngữ điệu, giúp khán giả hiểu được kịch tính và nội dung của chương trình một cách trọn vẹn…
Các “đặc sản” nghệ thuật liên tiếp “trình làng”, các nhà hát Hà Nội mong luôn được sáng đèn, rộn ràng bước chân du khách vào nhà hát thưởng thức các di sản phi vật thể đặc sắc của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Nguồn: https://baophapluat.vn/dua-nghe-thuat-truyen-thong-vao-phat-trien-du-lich-post537137.html