(Dân trí) – Trong 10 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo 3 lần thay đổi quy định tuyển sinh lớp 6.
Năm học 2014-2015, Hà Nội tăng 22.000 học sinh vào lớp 6.
Tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, khoảng 4.000 thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào lớp 6, tăng gần 1.000 em so với năm học liền kề trước đó. Chỉ tiêu của trường là 200. Tỷ lệ chọi là 1/20. Mức độ cạnh tranh và áp lực được so sánh ngang đại học.
Điều kiện để được dự thi là 4 năm tiểu học xếp loại học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt, tổng điểm hai môn tiếng Việt và toán cuối học kỳ II lớp 5 đạt từ 19 điểm trở lên.
Để giành một suất vào lớp 6 trường Ams, nhiều phụ huynh cho con luyện thi từ lớp 2 và thi thử nhiều vòng tại các trung tâm luyện thi nổi tiếng.
Đó là năm cuối cùng các trường THCS trên toàn quốc được tổ chức kỳ thi vào lớp 6.
Trên thực tế, kể từ Quyết định 12 năm 2006 cho đến Thông tư 02 năm 2013 về ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều quy định một phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển.
Tháng 4/2014, Bộ tiếp tục ra Thông tư 11, một lần nữa quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển.
Tháng 11/2014, Bộ ban hành Chỉ thị 5105 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó có yêu cầu “Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”.
Nhưng mùa tuyển sinh năm đó, các địa phương vẫn thực hiện nếp cũ, tức thi tuyển với các trường THCS chất lượng cao, trường công lập tự chủ, trường ngoài công lập.
Tháng 3/2015, Bộ ra công văn 1258 hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với các trường THCS có số học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu.
Trong công văn này, Bộ nêu rõ: “Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông quy định: “Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển”.
Thực hiện các chủ trương và quy định trên, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6″.
Thời điểm đó, trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định “nói không” với thi tuyển vào lớp 6 đối với tất cả loại hình trường, bao gồm ngoài công lập.
Hà Nội và TPHCM xin cơ chế riêng cho trường Ams và trường Trần Đại Nghĩa song không được đồng ý.
Ngày 17/4/2015, Sở GD&ĐT Hà Nội duyệt phương án cho 3 trường gồm Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie được tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực học sinh, tổ chức trò chơi trí tuệ để kiểm tra IQ, EQ.
Nhưng ngay trong đêm, Sở gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, nghiêm cấm thi tuyển, tuyệt đối không khảo sát học sinh đầu năm, không phân chia lớp.
Đồng thời, phương án tuyển sinh riêng của 3 trường nói trên bị hủy bỏ.
Trong hai năm học 2015-2016 và 2016-2017, tất cả các trường THCS trên toàn quốc không thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức, tức không có khảo sát, không kiểm tra đánh giá năng lực, không kiểm tra IQ, EQ…
Phương thức tuyển sinh duy nhất của các trường là xét tuyển. Trong đó, ngoài học bạ, các trường có thêm các bộ tiêu chí phụ như các giải thưởng văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thi giải toán, tiếng Anh qua mạng, giấy chứng nhận ngoại khóa.
Tiêu chí học bạ cũng trở nên khắt khe, yêu cầu kết quả học tập của cả 5 năm, chứ không chỉ riêng năm lớp 5 như trước đó. Học sinh buộc phải hoàn hảo từ năm đầu tiên bước chân vào tiểu học mới có cơ hội trúng tuyển “trường điểm”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí vào năm 2018, đại diện Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, trong hai năm thực hiện xét tuyển, mỗi năm trường nhận khoảng 4000 hồ sơ. 1/4 số đó là các hồ sơ đạt điểm 10 toán và tiếng Việt trong cả 5 năm tiểu học.
Trong 1.000 hồ sơ hoàn hảo này, 1/3 hồ sơ có đủ các giải thi học sinh giỏi các cấp, hoạt động ngoại khóa, giải bơi, giải các kỳ thi trên internet.
Ban tuyển sinh các trường đặt ra vấn đề về tính thực chất của học bạ học sinh tiểu học.
Tháng 2/2018, Bộ ban hành Thông tư 05, sửa đổi Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 11, cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu được dùng phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Đây được xem là quy định “cởi trói” cho việc tuyển sinh của các trường.
Từ kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019 cho đến năm học 2024-2025, các “trường điểm” tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào. Trong đó, phần lớn các trường dùng tiêu chí học bạ để làm điều kiện dự tuyển, sơ loại hoặc tính điểm theo tỷ lệ nhất định.
Trong dự thảo Thông tư 30, Bộ giữ nguyên quy định đã sửa đổi trong Thông tư 05 nói trên.
Tuy nhiên, ngày 8/1, Thông tư 30 ban hành chính thức đã bỏ nội dung này, chỉ nêu một dòng duy nhất về phương thức tuyển sinh THCS là “xét tuyển”.
Về hình thức, quy định về phương thức tuyển sinh THCS trong thông tư 30 giống với Thông tư 11. Tức là ngoài xét tuyển, không có phương thức nào khác được quy định để tuyển sinh lớp 6.
2 ngày sau công bố Thông tư 30, Bộ ra công văn 114, yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh thành khẩn trương xây dựng và công bố nguyên tắc, tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường hiểu rõ, chủ động trong công tác tuyển sinh.
Trong đó, công văn nêu rõ: với các trường THCS có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được giao, Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường thực hiện đánh giá năng lực học sinh theo các hình thức đã được quy định trong quy chế đánh giá học sinh như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm…
Như vậy, với hướng dẫn trong công văn 114, các trường THCS vẫn được tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực như vẫn thực hiện.
10 năm nay, cụm từ “thi tuyển”, “kỳ thi” đã không được các trường dùng nữa thay vào đó là “kiểm tra, đánh giá năng lực”.
Cùng một quy định “Tuyển sinh trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức xét tuyển”, việc tuyển sinh vào lớp 6 theo công văn 114 năm 2025 mà Bộ hướng dẫn khác hoàn toàn với việc tuyển sinh vào lớp 6 theo công văn 1258 năm 2015 cũng do Bộ hướng dẫn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-6-da-dien-ra-nhu-the-nao-trong-10-nam-qua-20250112235922519.htm