Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục nỗ lực kết nối với các đối tác trên toàn cầu, đặc biệt là khai phá những động lực tăng trưởng mới tại Mỹ Latinh, Trung Đông-châu Phi và các nước công nghiệp phát triển (G7) thông các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 9/2024. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Trên đây là nhận định của tờ Resumen Latinoamericano trong bài viết mới đây, trong đó đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao kinh tế của Việt Nam, với những bước đột phá, mở đường cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, tờ báo nhấn mạnh kết quả quan trọng đạt được qua các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam như chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc; chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đến Chile và Peru tháng 11 năm ngoái và của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar và Saudi Arabia vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Resumen Latinoamericano, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong khuôn khổ những chuyến công du của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đem lại cơ hội thúc đẩy kinh tế nước ta tăng trưởng bền vững và đặt nền móng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tờ báo cũng đề cập tới việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia trong năm 2024 và cho rằng những thỏa thuận này sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược, bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ hạt nhân, giao thông đô thị và đường sắt, đổi mới sáng tạo và chống biến đổi khí hậu.
Tác giả bài báo cho biết Việt Nam tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chiến lược.
Bên cạnh đó, tại các diễn đàn quốc tế, những đề xuất và sáng kiến của Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị toàn cầu và chuỗi cung ứng bền vững, góp phần định hình trật tự kinh tế khu vực và toàn cầu theo hướng cởi mở và bền vững cũng được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ.
Bài báo đánh giá thông qua các hoạt động đa phương, hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng hợp tác và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu đã được củng cố, tạo dựng niềm tin và thu hút sự quan tâm của các đối tác.