DNVN – Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian tới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Chính phủ sẽ xây dựng đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu và có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Con đường duy nhất để bứt phá
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) ngày 13/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng nhấn mạnh: KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững.
“Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường duy nhất để bứt phá.
KHCN, đổi mới sáng tạo vốn đã gắn bố với nhau, thúc đẩy lẫn nhau.Trong kỷ nguyên mới, KHCN, đổi mới sáng tạo gắn chặt với chuyển đổi số, đây là sự gắn bó khách quan, yêu cầu tất yếu. Trong đó, KHCN là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển đổi số là kết nối, con người là trung tâm, là chủ thể.
“Những tư tưởng này thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 57. Để thực hiện Nghị quyết 57, có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh; cùng các điều kiện khác và bảo đảm an ninh, an toàn mạng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, ngay sau khi Nghị quyết số 57 được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội.
7 nhóm nhiệm vụ
Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 140 nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình hành động thực hiện nghị quyết 57, trước hết là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chính phủ cũng quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được tăng cường đầu tư. Nhân lực chất lượng cao, nhân tài sẽ được trọng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh: Quochoi.vn).
Các cơ quan nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hoạt động KHCN đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian tới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, bởi đây là đầu tàu, nòng cốt của hệ sinh thái này. Chính phủ sẽ xây dựng đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu và có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước cũng được hình thành để triển khai hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược và an toàn an ninh mạng. Chính phủ đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhất là lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn.
Chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được xây dựng với tinh thần “lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu là trụ cột, nhà khoa học, học sinh, sinh viên là chủ thể”.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho rằng, cần xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triến khoa học, công nghệ. Các cơ quan phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực.
Nhà nước có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan, đồng thời cho phép hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Cùng với đó, Nhà nước cũng tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược. Ban hành cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược…
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chinh-phu-se-ho-tro-doanh-nghiep-cong-nghe-so-vuon-ra-toan-cau/20250113010452020