Đã thành truyền thống, chuẩn bị đón xuân mới, các bạn trẻ TP.HCM lại tìm về căn cứ kháng chiến của Thành Đoàn TP.HCM năm xưa tại nhiều tỉnh thành miền Nam như một nghĩa cử tri ân và nhắc người trẻ về lòng biết ơn, tự hào về quá khứ.
Hoạt động về thăm căn cứ Thành Đoàn vẫn diễn ra suốt bao năm qua, là dịp để các thế hệ cán bộ, đoàn viên TP.HCM tri ân bà con những vùng đất đã che chở, bảo vệ cách mạng. Mỗi chuyến đi mang cảm xúc khác nhau nhưng năm 2025 có lẽ đặc biệt hơn khi tròn nửa thế kỷ thống nhất đất nước.
Anh NGUYỄN ĐĂNG KHOA (trưởng Ban Tuyên giáo – Đối ngoại Thành Đoàn TP.HCM)
Cùng hành quân với các bạn trẻ còn có một số cô chú cựu cán bộ Thành Đoàn ngày ấy. Hồi ức về những ngày chưa xa xen kẽ qua từng câu chuyện kể trên suốt đoạn đường tìm về cứ.
Sống lại hồi ức xưa ở căn cứ Thành Đoàn
Tờ mờ sáng, bà Ngô Thị Cẩm Tiên (bí danh Chín Nghĩa) đã có mặt tại trụ sở Thành Đoàn TP.HCM. Bà kể đây là căn cứ thứ hai trong 9 địa điểm bà sẽ đi thăm trong mùa xuân này. Ký ức năm nào chợt ùa về…
10 tuổi, bà Chín Nghĩa đã tham gia hoạt động ở nội thành. Năm năm sau, bà chuyển về hoạt động tại vùng căn cứ, đi qua nhiều địa danh như Củ Chi, Núi Dinh, Vũng Tàu, Tây Ninh… Làm giao liên, bà nhận nhiệm vụ đưa cán bộ Thành Đoàn từ bên ngoài về cứ an toàn với các ám hiệu đã quy ước với nhau.
Bà kể: “Ví dụ gặp một đồng chí tôi hỏi “Có phải là chú ba không?”. Nếu đúng người sẽ nhận được câu trả lời “Cô bảy phải không?”. Để chắc chắn hơn còn có ám hiệu khác, như thả tờ báo Tia Sáng, hoặc làm rơi túi đồ trong đó có thể là đậu phộng hay đậu xanh tùy thỏa thuận trước đó”.
Nhưng có khi còn phải dùng thêm ám hiệu khác để khẳng định một lần nữa đúng là người cần đưa vào cứ. Ký ức những ngày Tết trong chiến khu như mới hôm qua. Bà Chín Nghĩa nhớ Tết ở chiến khu đơn sơ lắm nhưng ấm áp. Chiều cuối năm âm lịch, thủ trưởng mời toàn bộ cán bộ lên sinh hoạt, nói chuyện về ý nghĩa Tết cổ truyền, chúc mừng năm mới rồi cùng nhau đón giao thừa.
Trên chuyến xe về xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), bà Trần Phi Vân (bí danh Ba Vân) nôn nao khi có dịp trở lại mảnh đất mà bà nói “in dấu thanh xuân và được che chở để cống hiến cho cách mạng”. Đã hòa bình 50 năm, nhiều lần trở lại căn cứ năm xưa nhưng lần nào bà cũng không khỏi xúc động khi nhớ về mất mát, hy sinh mà bà từng chứng kiến.
14 tuổi, bà Ba Vân rời gia đình theo các anh chị “đi làm cách mạng”, là nữ giao liên có nhiệm vụ liên lạc, hỗ trợ vận chuyển tài liệu, vũ khí. Đồng thời bà cũng hoạt động tích cực trong Hội Liên hiệp học sinh – sinh viên. Nhưng căn cứ thời đó phải thay đổi địa điểm liên tục để đảm bảo an toàn. Nhiều lắm cũng chỉ ở một nơi chừng hai năm buộc phải di dời vì bị phát hiện.
Trở thành cán bộ Thành Đoàn, bà Ba Vân đưa đón học sinh, sinh viên hoạt động nội thành về cứ học tập, báo cáo và nhận chỉ thị. Nhiều lúc đi xa, toàn đi bộ, chưa kịp đến cứ trời đã tối nên đành gửi tạm người qua đêm ở nhà dân.
“Niềm vui giản đơn là khi trở về mình vẫn còn thấy ba má, những người thân yêu năm xưa hiện diện, khỏe mạnh là không gì bằng”, bà Ba Vân cười.
50 năm tình cảm vẫn vẹn nguyên
Không biết đã có bao nhiêu chuyến về thăm cứ, song anh Nguyễn Đăng Khoa, trưởng Ban Tuyên giáo – Đối ngoại (Thành Đoàn TP.HCM), nói mỗi lần về là một lần xúc động vì dù nửa thế kỷ trôi qua nhưng tình cảm bà con dành cho Thành Đoàn vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Trong chiến tranh gian khổ và thiếu thốn trăm bề, dù chẳng thân thích ruột rà nhưng bà con vẫn sẵn sàng hy sinh, thậm chí cả xương máu để nuôi giấu, bảo vệ bao thế hệ cán bộ Thành Đoàn. Đã 50 năm nhưng mỗi khi các bạn trở lại, bà con ở vùng căn cứ năm nào luôn đón tiếp nồng hậu như chờ những đứa con trong gia đình đi xa trở về.
Anh Khoa nói đó là tài sản quý giá, sống mãi cùng năm tháng mà nếu có dịp mỗi bạn trẻ hãy dành chút thời gian tìm hiểu về căn cứ Thành Đoàn sẽ hiểu vì sao sự gắn bó ấy lại dài lâu đến vậy.
Hoàn thành chuyến đi cùng các cô chú lão thành, bạn Nguyễn Trần Minh Khôi (Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM) cho rằng hoạt động này rất ý nghĩa, thiết thực để giáo dục truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Khôi nói, được nghe những câu chuyện chiến đấu và hy sinh ngày trước vừa xúc động vừa tự hào, và càng cảm phục tấm lòng quả cảm của thế hệ đi trước.
“Tôi nghĩ mỗi chúng ta dù là ai, làm công việc gì hay ở đâu cũng cần luôn nhớ về cội nguồn, tri ân sự hy sinh để đất nước được độc lập, tự do hôm nay. Nên trách nhiệm của mỗi bạn trẻ chính là cống hiến và đóng góp nhiều hơn để đất nước ngày càng tốt đẹp hơn”, Minh Khôi chia sẻ.
Món quà quê ân tình
Vừa thấy đoàn dừng chân trước cổng, bà Đặng Hoa Thảnh (78 tuổi, tỉnh Tiền Giang) đã cười thật tươi: “Bà vui dữ lắm, hạnh phúc khi mỗi năm đều thấy đoàn của Thành Đoàn về thăm căn cứ”. Cuộc trò chuyện cứ như dài mãi giữa những hồi ức năm xưa.
Trước khi tiễn các bạn trẻ ra về, bà Thảnh ôm từng người và không quên dặn nhớ mang theo mấy giỏ vú sữa, bưởi được hái từ vườn nhà về làm quà. Với những cán bộ Thành Đoàn năm nào tuổi cao sức yếu không thể về thăm căn cứ, bà vẫn chu đáo chuẩn bị gói ghém thành từng phần rồi ghi rõ họ tên từng người gửi theo về TP.
Nghĩa tình của tuổi trẻ TP Bác Hồ
Trong chuyến về thăm cứ tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), 23 phần quà Tết đã được các bạn trẻ Quận Đoàn 1 và Bình Tân trao tận tay các gia đình chính sách tại đây để bà con cùng vui đón Tết Ất Tỵ 2025 sắp đến.
Còn tại thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Đoàn Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Đoàn Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM và Quận Đoàn Phú Nhuận đã tặng 55 phần quà tri ân các gia đình chính sách. Các bạn đã đến thăm và tặng quà gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dúng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mua-xuan-cung-tim-ve-can-cu-thanh-doan-20250113013107833.htm