‘Đừng nghĩ gắn bó lâu bạn sẽ được hậu đãi’ là lời khuyên của một chuyên gia về đào tạo nhân sự, huấn luyện.
Mới đây, một hội nhóm về nghề marketing trên Facebook có bài viết nhận định chuyện gắn bó lâu với một công ty chưa hẳn là tốt đã thu hút nhiều ý kiến.
Là đồng sáng lập kiêm người huấn luyện chính của một đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, huấn luyện (coaching) về nhân sự và kỹ năng mềm, anh Trần Vũ Thanh (sống ở TP.HCM), chủ bài đăng, cho biết khi hỗ trợ tìm việc, có hai trường hợp mà anh gặp phổ biến, và một trong hai trường hợp là nhân sự làm việc quá lâu ở một công ty.
Nếu không có gì mới, 7 năm thâm niên chỉ là 1 năm kinh nghiệm lặp lại 7 lần
Anh Thanh phân tích: “Các bạn gắn bó rất lâu ở một công ty (từ 5 – 7 năm), có khi lâu hơn. Đến lúc bắt đầu tìm việc mới thì cũng đã trên 30 tuổi, cái tuổi mà thị trường việc làm có vẻ đang rất kén cá chọn canh.
Nhưng vấn đề không phải tuổi, mà là ở công ty ngần ấy năm bạn đã làm những công việc gì? Nếu công ty không có sự phát triển, công việc bạn không có gì thay đổi, không có vấn đề mới, bài toán mới để giải quyết thì 7 năm kinh nghiệm chẳng qua chỉ là con số. Thực tế là bạn làm cùng một việc trong 7 năm”.
Bản thân từng chứng kiến nhiều vụ sa thải “rất thảm”, anh Thanh kể một câu chuyện nghe chua chát. Có một nữ nhân sự làm ở công ty gần 10 năm, thâm niên bằng số tuổi của công ty. Nhưng một ngày, cô bị cho nghỉ việc vì lý do tính chất công việc không còn cần vị trí này, và chỉ được hỗ trợ hai tháng lương.
Bị cho thôi việc, cô đang có con nhỏ và cũng gặp khó khăn. Cô đến gặp xin CEO được giảm nửa lương, chỉ cần công việc và có thu nhập, nhưng vẫn bị từ chối.
Là người thành lập của một công ty agency marketing, anh H.N.Ngọc (sống tại Hà Nội) nhận định phía dưới rằng bài viết đang đề cập đến vấn đề thực tế trong môi trường lao động hiện nay. Đó là gắn bó lâu dài với một công ty không hẳn là lựa chọn tốt nếu không có sự phát triển cá nhân.
Anh Ngọc phân tích, nhân sự gắn bó lâu nhưng thiếu phát triển, không thể giải quyết vấn đề phức tạp, nên dù nói 7 năm kinh nghiệm song thực chất là một năm kinh nghiệm lặp lại 7 lần. Hệ quả là mất khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động khi muốn tìm công việc mới, dễ bị ảnh hưởng khi công ty cắt giảm nhân sự vì vị trí đó không còn giá trị.
Trường hợp khác khiến nhân sự khó tìm việc, theo anh Ngọc, là nhiều người chưa có định hướng rõ ràng, không biết mình muốn làm gì tiếp theo, hoặc không cập nhật xu hướng, không biết các công nghệ, kỹ năng hoặc yêu cầu mới trong ngành.
Tương tự, bình luận của anh Nguyễn Thắng phía dưới bài đăng của anh Thanh cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều người. Anh Thắng cho rằng thời gian ở lại không quan trọng bằng việc học và làm được gì.
“Nếu bạn ở công ty 2 – 3 năm mà thấy mình đã chững lại, không học thêm được gì, không phát triển thì nên nghĩ đến việc thay đổi. Chẳng ai muốn mỗi ngày đi làm chỉ để tồn tại”, anh nói.
Từng chứng kiến không ít trường hợp, nhân viên thâm niên đến 5 – 10 năm vẫn bị cắt giảm, anh Thắng nhận định: “Sự thật là công ty nào cũng hoạt động vì lợi ích và chiến lược kinh doanh. Khi họ thấy vị trí của bạn không còn phù hợp, hoặc cần cắt giảm chi phí, thâm niên cũng không bảo vệ bạn được. Chính vì vậy, việc tự lo cho con đường sự nghiệp của mình là điều bắt buộc”.
Chủ động kiểm soát lộ trình sự nghiệp, đừng đợi công ty quyết định giùm
Chia sẻ kinh nghiệm cho các nhân sự trẻ, anh Vũ Thanh khuyên nếu làm ở công ty sang năm thứ 2, thứ 3 mà công việc cứ lặp đi lặp lại, không có gì mới để học hỏi, phát triển, hãy tìm đường khác cho mình, tìm việc mới bên ngoài. “Đừng nghĩ gắn bó lâu bạn sẽ được hậu đãi”, anh nói.
Đưa ra giải pháp, anh N.Ngọc cho biết nhân sự hãy đánh giá lại mỗi hai năm, nếu công việc không giúp bản thân mình tiến bộ, hãy tìm hướng đi khác trước khi quá muộn.
Theo anh, dù không có ý định nhảy việc, hãy đi phỏng vấn vài lần trong năm để hiểu thị trường, xu hướng tuyển dụng mới, mức lương thị trường phù hợp với kỹ năng. Tận dụng thời gian làm việc để trau dồi kỹ năng, lấy chứng chỉ chuyên môn hoặc học thêm ngôn ngữ mới.
“Chủ động kiểm soát lộ trình sự nghiệp thay vì để công ty quyết định thay bạn. Cách bạn chủ động nâng cấp bản thân và sẵn sàng thay đổi sẽ quyết định sự ổn định và thành công lâu dài”, anh đưa ra lời khuyên.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thắng và nhiều người đã từng gắn bó lâu năm với một công ty, sự nghiệp của mình là do mình quyết định. “Không ai rảnh rỗi để lên kế hoạch cho bạn, kể cả sếp bạn, bởi họ còn phải lo cho chính họ”, anh khuyên.
Nếu công việc bạn đang làm không có gì mới mẻ, hoặc giá trị bạn tạo ra đã đạt ngưỡng, bạn cần suy nghĩ đến việc chuyển đổi, mở rộng. Đừng để bản thân rơi vào trạng thái an toàn quá lâu, vì nó có thể biến bạn thành một người không còn giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Không phủ nhận mặt tốt của việc làm việc lâu tại một công ty, song anh Nguyễn Thắng nói điều đó chỉ xảy ra khi lao động được thử thách với những dự án mới, trách nhiệm mới, thực sự phát triển qua từng giai đoạn, từng cột mốc thời gian, cũng như công ty có chính sách phát triển rõ ràng cho nhân sự, đầu tư vào sự nghiệp của nhân viên.
“Nếu không có thì việc bạn gắn bó lâu dài không khác gì tự nhốt mình trong một cái hộp”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/o-mai-mot-cong-ty-7-nam-van-phai-chua-chat-ra-di-ban-hoc-duoc-gi-20250103113445152.htm