Phát lộ hệ thống di tích và di vật đồ sộ
PGS.TS Tống Trung Tín – Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440 m2. Các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử-văn hoá Thăng Long, lịch sử-văn hoá Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1000 năm lịch sử từ các thời kỳ tiền Thăng Long đến các thời kỳ Thăng Long thời Lý-Trần-Lê sơ-Mạc-Lê Trung hưng-Tây Sơn-Nguyễn cho đến các thời kỳ cận hiện đại.
“Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên” – PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.
Các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ. (Ảnh: HT) |
Nghiên cứu về Chính điện Kính Thiên thời Lê, TS Nguyễn Văn Sơn, Hội Sử học Hà Nội cho biết, điện Kính Thiên là kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế Đại Việt. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển lễ của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần… Do đó điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV – XVIII).
Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc. Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011 đến nay đã mở ra những hiểu biết mới về Chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật. Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Để có cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, TS Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực; khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mĩ thuật… Trước hết, là làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản. Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Chia sẻ kinh nghiệm khôi phục kiến trúc từ di tích khảo cổ học, GS Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara – Nhật bản) đã giới thiệu một số công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ thứ VIII, thế kỷ thứ IX được phục dựng thành công tại Nhật bản như Suzaku-mom (cổng chính), Daigoku-sen (sảnh chính) và Tou-in (khu vườn phía đông trong “Heijou – Kyu”: Địa điểm cung điện Nara). Ông cho biết, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỉ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng. Khi đón công chúng tới thăm quan công trình phục dựng, chúng ta phải lưu ý ít nhất 2 vấn đề: An toàn và bảo tồn hiện vật nguyên gốc. Trong đó, an toàn là sau khi hoàn thành việc xây dựng lại, mọi người sẽ vào thăm quan công trình đó. Chúng ta cần thiết lập an toàn trong các công trình được phục dựng lại. Bảo tồn các di tích khảo cổ tức là công trình được phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc.
Một số hiện vật được tìm thấy trong các đợt khai quật Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: HT) |
Gợi ý mô hình và quy hoạch không gian trưng bày khảo cổ và kiến trúc cho khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trong đó nêu cơ hội hợp tác giữa Hà Nội và Vùng Ile De France của Pháp, ông Emmanuel Cerise – Giám đốc PRX Việt Nam tại Hà Nội cho biết, Vùng lle de France, cùng với PRX-Việt Nam, có thể hỗ trợ kết nối các di tích lịch sử của Hà Nội và các khu di sản ở vùng lle de France; xây dựng hợp tác trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Emmanuel đã đưa ra mô hình khu khảo cổ Saint – Denis (Ile de France) là một mô hình khu khảo cổ được tích hợp trong dự án cải tạo đô thị, sử dụng cảnh quan và thiết kế đô thị để bảo tồn di sản và thể hiện các vết tích lịch sử trong quá khứ. Các khu di sản Thánh Laurent và Mục sư đoàn ở Aosta (Italia) là ví dụ về việc quản lý lâu dài đối với địa điểm khảo cổ đô thị cho các mục đích lịch sử, văn hóa và du lịch.
Trong số các địa điểm khảo cổ ở vùng Ile de France có một số nằm trong khu vực đô thị. Ví dụ như thành phố Lutèce (thời La mã) hoặc Cluny (thời Trung cổ), một số nằm ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn như Khu di sản Gallo-Roan của Vaux de la Celle (Genainville).
Từ đó, nhà khoa học cho rằng vùng Ile de France cùng với PRX-Việt Nam, có thể hỗ trợ kết nối các di tích lịch sử của Hà Nội và các khu di sản ở vùng Ile de France; Xây dựng hợp tác trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật. Ví dụ như sự hợp tác giữa thị trấn trung cổ Provins và Thành cổ Hà Nội, hỗ trợ của Bộ Văn hóa Pháp trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nói tiếng Pháp đang làm việc tại các khu di tích lịch sử.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội, cho biết, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc làm cần thiết đối với tất cả các di sản, nhất là đối với Hoàng thành Thăng Long, di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới.
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy kết quả khảo cổ những năm qua đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết song song với mở rộng khảo cổ học.
Nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long trong điều kiện hiện nay, TS Nguyễn Viết Chức gợi mở một số giải pháp. Đó là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội thống nhất trình UNESCO về việc bảo tồn có chọn lọc các công trình cụ thể trong Hoàng thành Thăng Long; xây dựng chương trình khảo cổ, đồng thời bảo tồn và phát huy di chỉ khảo cổ trong những năm tiếp theo; triển khai ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành; triển khai nghiên cứu giá trị di sản phi vật thể; học tập kinh nghiệm các nước trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng cung…
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bảo tồn Di sản thế giới theo tinh thần của Công ước UNESCO đặt ra hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, thông qua các hoạt động khoa học với mô hình quản lý phù hợp đảm bảo tính toàn vẹn bao chứa, thể hiện giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo các tiêu chí đã được UNESCO xác định. Thứ hai, diễn giải di sản làm cho các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, thông điệp văn hóa hàm chứa trong di sản đến gần hơn và trở nên dễ hiểu, phổ cập cho đông đảo công chúng trong toàn xã hội cũng có nghĩa là tạo ra chức năng mới để di sản gắn với đời sống xã hội và có ích cho mọi người, mà phổ biến nhất là thông qua hoạt động du lịch và dựa căn bản vào cơ sở, thế mạnh của công nghệ thông tin.
Để việc diễn giải di sản đạt kết quả cao nhất, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất xây dựng tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long một “trung tâm thông tin” về di sản với hình thức một bảo tàng Hoàng cung hay Cung đình. Mục tiêu của bảo tàng không chỉ giới thiệu các cổ vật, di vật có giá trị mĩ thuật cao mà phải tái hiện được diện mạo kiến trúc của Cung đình Thăng Long qua các giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, phần trưng bày của bảo tàng nay phải phản ánh được các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cung đình xưa mang tính bác học hay còn gọi là văn hóa Cung đình Thăng Long. Đặc biệt, cần quan tâm thể hiện các hoạt động đã diễn ra trong không gian Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong suốt thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Bộ Chỉ huy tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, một bảo tàng hiện đại như vậy cần tận dụng thế mạnh công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghệ GIS, công nghệ hiện thực ảo, công nghệ 3D, mapping… để phát huy tính chủ động và tích cực của khách tham quan, giúp họ hiểu sâu sắc hơn các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hien-ke-khoi-phuc-cac-di-san-kien-truc-hoang-thanh-thang-long-619195.html