Sớm tham mưu đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Vĩnh Yên – Hà Nội
Ngày 13/1, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Long Biên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2025, ngành GTVT Vĩnh Phúc sẽ thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị, theo chỉ đạo từ Trung ương – tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng.
Trước hết, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến và xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy khi thực hiện sáp nhập 2 cơ quan theo chỉ đạo.
“Trong đó, tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động Sở GTVT thống nhất cao, xác định tinh thần và thái độ nghiêm túc, tuyệt đối chấp hành sự phân công, bố trí, sắp xếp, quyết định của cấp có thẩm quyền; không vì lợi ích cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung” – ông Hoàng Long Biên khẳng định.
Trong năm 2025, ngành GTVT sẽ đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, trên cơ sở Quy hoạch đường sắt đô thị trong phương án phát triển mạng lưới giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2/2024, sớm tham mưu đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm thành phố Vĩnh Yên với các tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô Hà Nội.
Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết thêm, trên cơ sở điều kiện hạ tầng và nhu cầu đi lại của cư dân, ngành GTVT sẽ thực hiện đa dạng, phát triển các loại hình vận tải và dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng với chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn, tin cậy, nhanh chóng, tiện nghi và thân thiện với môi trường.
“Trong đó, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, cung cấp dịch vụ chất lượng cao đối với các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh theo đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 24/3/2021” – ông Hoàng Long Biên chia sẻ.
Được biết, Sở GTVT thực hiện quản lý Nhà nước đối với 2.741 đơn vị vận tải, gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể với 8.054 phương tiện các loại (xe tải, đầu kéo và container; xe taxi, xe hợp đồng, xe tuyến cố định và xe buýt). Trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chỉ có 2 đơn vị.
Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là công nhân, ngành GTVT đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, thay thế Quyết định số 1208/QĐ-CT ngày 31/3/2016.
Định mức kinh tế kỹ thuật đang xây dựng nói trên, sẽ được lấy làm cơ sở xây dựng phương án vận chuyển, lập giá sản phẩm dịch vụ công ích, đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với 2 tuyến xe buýt VP-07 và VP-09 sau khi hết thời gian đặt hàng cung cấp dịch vụ.
Ngành GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn.
Năm 2025, ngành GTVT thực hiện tăng cường chỉ đạo chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, như các dự án đường hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc:
Tuyến đường vành đai 5 nối vùng Thủ đô; đoạn tuyến ven chân núi Tam Đảo kết nối giữa tuyến đường vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang; tuyến đường song song đường sắt Hà Nội ‑ Lào Cai; mở rộng trục Mê Linh; trục Bắc Nam đoạn từ QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đê tả Sông Hồng…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-san-sang-cho-viec-sap-nhap-so-gtvt-va-so-xay-dung.html