Lý giải chọn chủ đề này, đại diện OBC ví lúc này là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp, ví như cơn sóng thần, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại quá mong manh. Thế nên, OBC mong muốn tổ chức như con thuyền đủ mạnh để hỗ trợ giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Nguyễn Văn Hòa, nhà sáng lập và là Chủ tịch OBC cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến các chủ doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ, trưng bày sản phẩm để tiếp cận khách hàng B2B (giao dịch thương mại trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp). Sự kiện có sự hiện diện 200 doanh nghiệp với 50 gian hàng giới thiệu sản phẩm.
“OBC được hình thành với tầm nhìn là vì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, kết nối giao thương, đào tạo và huấn luyện doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa năng lực quản trị của họ, từng bước đưa cộng đồng doanh nghiệp hội nhập với doanh nghiệp toàn cầu. OBC với tâm huyết đưa những kinh nghiệm, hiểu biết về quản trị doanh nghiệp, kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng kết nối, để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hoạt động với 6 giá trị cốt lõi: chính trực, cộng đồng, công nhận, trách nhiệm, tri thức và tích cực”, ông Hòa chia sẻ.
OCB cho hay, cả nước hiện có khoảng 1,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dự báo đến năm 2030, sẽ có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp. Khi quyết tâm xây dựng OBC, những người sáng lập kỳ vọng sẽ quy tụ được 8.000 doanh nghiệp tham gia OBC, đến năm 2030 có 47.000 thành viên.
Cũng theo đại diện OCB, hiện nay, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam chiếm hơn 80% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam và tạo nhiều công ăn việc làm nhất. Tuy nhiên, số này lại ít có điều kiện tiếp cận và ứng dụng nền tảng tri thức và công cụ tân tiến toàn cầu.