(CLO) Lễ hội Gầu Tào là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, đặc sắc với nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người Mông ở tỉnh Hòa Bình.
Ngày 11/1, tại hai xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) diễn ra Lễ hội Gầu Tào của người Mông.
Đây là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, đặc sắc với nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời, thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham gia.
Lễ hội Gầu Tào, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc và tạ ơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng người Mông mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của hai xã Pà Cò và Hang Kia – vùng đất nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và nền văn hóa phong phú.
Lễ hội gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu với nghi thức dựng cây nêu – một biểu tượng linh thiêng để kết nối giữa con người và thần linh. Cây nêu được trang trí đẹp mắt, mang theo lời cầu chúc cho mùa màng bội thu, sức khỏe và hạnh phúc.
Phần hội là không gian rộn ràng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các trò chơi dân gian đặc sắc.
Đến với lễ hội Gầu Tào năm nay, ngoài chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mông, du khách còn được được thưởng thức màn múa khèn truyền thống, lắng nghe tiếng khèn réo rắt đầy sức sống, chiêm ngưỡng những bộ trang phục thổ cẩm đầy màu sắc.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội có các không gian ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Du khách cũng được trải nghiệm thi giã bánh dày, ném pao, đánh tu lu…
Theo ông Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, việc tổ chức thường niên Lễ hội Gầu Tào, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành tỉnh Hòa Bình trong việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Đây cũng là dịp để huyện Mai Châu tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của 2 xã Hang Kia – Pà Cò; góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh và tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân ã đón Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Hai xã Hang Kia, Pà Cò nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ, hình thái thời tiết của 4 mùa trong một ngày, tương đồng với Mộc Châu (Sơn La).
Trên địa bàn hai xã, đồng bào dân tộc Mông chiếm đến hơn 90%. Người Mông nơi đây có nhiều nghề truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày: Dệt thủ công, thêu thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn, nghề làm giấy dó… Văn hóa ẩm thực bản địa phong phú và độc đáo như: Rượu ngô, thắng cố, cải mèo, gà bản, lợn bản, xôi nếp nương, măng rừng… Khi Xuân về trên các xóm bản, các lối đi, vườn nhà hay các triền núi, Hang Kia, Pà Cò được phủ một màu trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận, điểm tô thêm màu hồng phai của những cây đào cổ thụ. Mùa Xuân gắn với những ngày Tết Mông, cũng là mùa lễ hội Gầu Tào – lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của cộng đồng người Mông.
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/dac-sac-le-hoi-gau-tao-cua-nguoi-mong-o-hoa-binh-post329990.html