TP.HCM cần khoảng 5 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị trong thời gian 5 năm tới. Vậy thành phố sẽ huy động bằng cách nào?
Trao đổi với Báo Giao thông, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc huy động số tiền này không quá khó nếu có cách làm phù hợp.
Cơ chế đủ hấp dẫn sẽ có nhà đầu tư
– 5 triệu tỷ đồng là con số khổng lồ và chắc chắn ngân sách không thể kham nổi. Theo ông, cách nào để TP.HCM huy động số vốn này để đầu tư hạ tầng?
Tôi được biết TP.HCM đang đề xuất và Chính phủ nên đồng ý cho thành phố thành lập một tập đoàn đầu tư hạ tầng với quy mô vốn hàng chục tỷ USD.
Đây là tập đoàn có sự tham gia của Nhà nước và các nhà đầu tư, nhưng Nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Mô hình này các nước làm rất nhiều và rất thành công.
– Mô hình này nếu được triển khai, sẽ vận hành ra sao, thưa ông?
Khi thực hiện một dự án nào đó, Nhà nước sẽ lo các thủ tục, chính sách, còn nhà đầu tư lo vốn. Nếu thiếu vốn, thậm chí có thể phát hành trái phiếu để huy động. Điều này cũng khiến nhà đầu tư yên tâm, bởi họ không bị “cô đơn”, hoặc rủi ro khi một chính sách nào đó của Nhà nước thay đổi. Bởi khi chính sách thay đổi, Nhà nước cũng thiệt hại.
Việc hình thành tập đoàn này không chỉ có lợi cho TP.HCM mà cho cả nước, bởi khi thành công có thể nhân rộng mô hình.
Tập đoàn này đứng ra thực hiện các công việc như đền bù giải tỏa theo cơ chế thị trường, huy động vốn đầu tư. Khi dự án có lợi nhuận, nhà đầu tư có lãi, Nhà nước lại có vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Chẳng hạn, khi thực hiện dự án metro, họ sẽ thống nhất về kỹ thuật của tất cả các tuyến đồng bộ với nhau, không có chuyện tuyến này dùng công nghệ Nhật Bản, tuyến kia công nghệ nước khác. Hoặc từ tập đoàn này hình thành các công ty con chuyên đầu tư hạ tầng TOD để thu hút vốn; một nhánh công ty khác chuyên về công nghiệp metro, sản xuất đầu máy toa xe, sửa chữa bảo trì toàn hệ thống metro thành phố…
Khi hình thành các khu đô thị dọc metro, các tuyến giao thông, lượng hành khách đi lại nhiều hơn, Nhà nước bớt bù lỗ, như vậy Nhà nước cũng có lợi.
– Nói như vậy, muốn thu hút được nguồn vốn lớn thì phải có các cơ chế, chính sách để nhà đầu tư cảm thấy đủ hấp dẫn?
Đúng vậy. Nhà đầu tư chỉ vào cuộc khi họ nhìn thấy lợi nhuận, tiềm năng. Họ không thể yên tâm rót vốn nếu vẫn còn băn khoăn về cơ chế, chính sách.
Cần triển khai hiệu quả mô hình TOD
– Theo ông, đưa vào khai thác các dự án metro có ý nghĩa thế nào trong việc góp phần thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng cho thành phố?
Việc đầu tư hệ thống metro cho TP.HCM là chuyện tương lai 10 hay 20 năm tới. Trong khi tuyến metro số 1 đã hoàn thành, nhưng tiềm năng khai thác TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) chỉ mới 20%. Nếu làm tốt, việc huy động nguồn vốn hàng triệu tỷ đồng không quá khó.
– Với tuyến metro số 1 đã vận hành, ông đánh giá thế nào về việc khai thác các lợi thế mà tuyến này đem lại?
Metro số 1 vừa đưa vào hoạt động đã thu hút người dân. Nhưng tôi đã đi và quan sát, khách đông nhưng đến 80% là đi cho biết, chứ dân đi làm, đi công việc thực sự không nhiều.
Muốn thu hút hành khách, phải xây dựng các khu đô thị dọc tuyến theo phương thức TOD. Dọc tuyến cũng đã hình thành một số khu vực như Ba Son, Thảo Điền… nhưng tôi đánh giá mới chỉ khoảng 20%, quỹ đất trống còn rất nhiều. Ở đây không chỉ đất quanh các nhà ga, mà dọc hành lang 17 tuyến xe buýt kết nối đến các nhà ga metro đều có thể khai thác quỹ đất theo hình thức TOD được.
Những khu đất hiện đang xây nhà thấp tầng, khu dân cư cũ xuống cấp, hoàn toàn có thể quy hoạch lại, đầu tư nhà cao tầng, xây dựng đô thị nén để thu hút dân cư về ở.
Nhà nước và nhà đầu tư kết hợp, đền bù theo giá thị trường, nhà đầu tư hoàn toàn có lợi nhuận. Những khu vực như Masteri Thảo Điền giá nhà tăng nhanh chóng. Các dự án ở An Phú, đường Mai Chí Thọ mới xây phần móng nhưng giá bán hàng trăm triệu đồng một mét vuông, nhờ hiệu ứng từ metro.
– Đối với những dự án hạ tầng lớn, theo ông sự đồng hành của những nhà đầu tư lớn quan trọng thế nào? Thành phố có nên mạnh dạn giao việc cho họ?
Những doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup… hoàn toàn có thể tham gia cùng thành phố trong việc phát triển đô thị dọc metro số 1 và có lợi nhuận tốt. Khi dân cư tập trung về đông, hành khách đi metro nhiều, ngân sách sẽ bớt bù lỗ.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng các tuyến metro khác trong hai thập niên tới. Việc gì làm thì cứ làm, nhưng với tuyến metro số 1 đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, khai thác triệt để mô hình TOD dọc theo metro số 1 là rất cần thiết.
Đặc biệt, khi phát triển được mô hình TOD dọc tuyến metro số 1 hiệu quả, nguồn vốn thu lợi được không hề nhỏ. Lúc đó việc thu hút nguồn vốn 5 triệu tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông thành phố trong những năm tới là khả thi.
– TP.HCM vừa bổ sung quy hoạch thêm 2 tuyến metro từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ và Củ Chi. Ông đánh giá thế nào về việc bổ sung quy hoạch này?
TP.HCM là một siêu đô thị, việc xây dựng mạng lưới giao thông công cộng là vấn đề chiến lược. Về mặt khoa học, khi triển khai một dự án metro, cần một số điều kiện cơ bản, nền tảng mới hiệu quả. Chẳng hạn, tiêu chí đầu tiên để làm metro là đô thị đó phải đạt số lượng dân số trên một triệu người.
Để xây dựng tuyến metro số 1 tốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng không đơn thuần là bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng là xong, mà quá trình vận hành hàng chục, hàng trăm năm về sau rất tốn kém. Trung bình một tuyến metro, nếu chạy tốt, cho dù có đông khách, thành phố cũng có thể phải bù lỗ hàng triệu USD mỗi năm.
Cảm ơn ông!
Tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 4/1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, các dự án trọng tâm trong kỳ quy hoạch bao gồm: Xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Vành đai 2, 3, 4 và 4 cây cầu lớn (Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2).
Đồng thời, thành phố cần đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, TP.HCM – Cần Thơ, 7 tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội, Phú Thuận.
Ở lĩnh vực đô thị, TP.HCM ưu tiên hoàn thiện phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới – Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Một số dự án lớn khác còn có trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng…
Để thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch TP.HCM cần thực hiện 7 giải pháp chính về: Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; bảo vệ môi trường; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-huy-dong-5-trieu-ty-dau-tu-ha-tang-the-nao-192250110123618131.htm