Cả ngày chỉ vân vê những nhành hoa lan hồ điệp, biến chúng trở thành các tác phẩm nghệ thuật, nhờ vậy mà thợ kết hoa lan ở thành phố Vinh, Nghệ An nhận mức lương khủng vào dịp Tết. Có những người thợ lành nghề thu về hơn 100 triệu đồng chỉ trong tháng Tết nhờ kết hoa lan.
Loài hoa quý tộc đổ bộ thành phố Vinh, thợ kết hoa lan chạy xô kiếm bội tiền
Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh hoa lan hồ điệp ở thành phố Vinh, Nghệ An bắt đầu vào vụ Tết. Hoa Lan với đủ các chủng loại đã bắt đầu khoe sắc khắp các tuyến đường. Đây cũng là thời điểm các thợ kết hoa lan tất bật nhất trong năm. Thậm chí nhiều người phải chạy sô để tranh thủ tối đa thời gian để kiếm tiền ngày Tết.
Clip: Xem cách thợ kết hoa lan ở thành phố Vinh, Nghệ An làm việc, nhận lương trăm triệu chỉ trong tháng Tết. Thực hiện: Cảnh Thắng – Nguyễn Tình
Những năm gần đây, người dân thành phố Vinh khá ưa chuộng các loại lan hồ điệp để chơi dịp Tết. Bởi, hoa lan hồ điệp, loại hoa “quý tộc” có màu sắc tươi đẹp, độ bền cao. Lan hồ điệp còn tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng. Vì thế, loài hoa quý tộc này được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Chị Phạm Thị Thuỷ, chủ cơ sở kinh doanh hoa lan lớn ở đường Lê Nin, thành phố Vinh cho biết, năm nay để phục vụ thị trường, 2 cơ sở của chị nhập về gần 20.000 cành hoa lan các loại, trong đó chủ yếu là lan hồ điệp. Nhiều khách hàng đã đặt cọc, chốt những chậu hoa lan hồ điệp lớn để kịp chưng Tết.
Vì thế, để kịp giao các đơn hàng cho khách, chị Thủy đã thuê 3 tốp thợ từ các vùng miền về thành phố Vinh để kết hoa lan. Thợ chính tiền công được chị trả theo cành hoa lan. Mức tiền công giao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/cành. Thậm chí có những chậu hoa lan kết trên gỗ lũa, thợ chính sẽ nhận tiền công lên đến 40.000 đồng đến 60.000 đồng/cành. Trong khi đó, thợ phụ sẽ được trả theo ngày công hoặc sản phẩm là ra.
Hoa lan, loại hoa “quý tộc” được kết với nhau tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Để có thể tạo dáng, phối màu, sắp xếp phù hợp đòi hỏi người thợ phải có sự sáng tạo, tính thẩm mỹ cao. Vì thế, không phải ai cũng có thể làm được nghề này.
Mỗi chậu lan hồ điệp thường có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Bởi thế các cơ sở kinh doanh lan hồ điệp phải lựa chọn rất kỹ tay nghề và thẩm mỹ thợ cắm lan để “nâng” giá trị, mang lại lợi nhuận cao hơn. “Để thuê được thợ cắm lan giỏi, có tay nghề cao tôi thường phải liên hệ và hợp đồng trước với họ 3 tháng trước tết”, chị Hoàng Thị Quyên (chủ cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở thành phố Vinh) cho biết.
Anh Trương Ngọc Thành (SN 1995, quê tỉnh Ninh Bình) cho biết, vụ lan tết thường chỉ kéo dài khoảng 20 ngày. Năm nay, anh cùng 3 thợ cắm lan khác trong tổ nhận đơn hàng đầu tiên ở thành phố Vinh. Với 4.000 cành hoa lan, tổ của anh Thành dự kiến mất khoảng 6 đến 7 ngày để lên chậu.
Nghề kết hoa lan, mỗi năm chỉ trông chờ vào một mùa Tết những người thợ đều cố gắng tranh thủ “cày” tối đa thời gian cho kịp đơn hàng. Xong, tốp thợ lại di chuyển nơi khác. Sau khi hoàn thành đơn hàng ở thành phố Vinh, nhóm thợ của canh Thành lại di chuyển 2 nơi khác ở Hà Nội. Đây là những lịch cố định, còn những đơn hàng phát sinh tổ thợ của anh Thành chưa tính đến.
Giá trị của hoa lan không chỉ nằm ở những cành hoa rực rỡ sắc màu, giá tiền, độ hiếm… mà chính ở sự kết hợp giữa hoa, gỗ, bình, các loại rêu… do người thợ kết nên. Dù tiền công được tính theo sản phẩm, tuy nhiên không vì thế mà họ làm ẩu, chạy số lượng. Vì nếu làm ẩu, hoa lan nhanh tàn thì sẽ mất uy tín và không thể giữ nghề được.
Một tháng Tết, thợ kết hoa lan kiếm cả trăm triệu đồng
Anh Lê Văn Duy (SN 1984, quê tỉnh Thanh Hóa) cho hay, tổ cắm lan hồ điệp của anh gồm 3 người, chuyên kết lan trên gỗ lũa. Tiền công kết lan trên gỗ lũa cao gấp 3 lần so với kết trên chậu. Tuy nhiên, để kết được hoa lan trên gỗ lụa rất tốn thời gian và đòi hỏi tay nghề cao, tư duy nghệ thuật, sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng vẫn phải hài hòa với sở thích, thị hiếu của khách hàng.
Nếu như kết lan trên bình gốm sứ đòi hỏi sự mềm mại, uyển chuyển thì kết lan trên gỗ lũa lại đòi hỏi giáng lan phải mang khí chất núi rừng vừa phải phù hợp với thế của từng khúc gỗ lũa.
Trung bình mỗi vụ lan Tết, anh Duy kiếm được hơn 100 triệu đồng. Nghề kết hoa lan tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập cao. Đặc biệt là niềm vui khi mỗi tác phẩm hoàn thiện được khách hàng ưng ý.
Theo chủ các cơ sở kinh doanh lan hồ điệp, với nhu cầu phong phú của khách hàng, lan hồ điệp được lên chậu đủ loại, kích cỡ từ để bàn đến trưng ở sảnh; từ chậu 1 màu trang nhã đến chậu 5 màu rực rỡ, 1 tầng hoa đến chậu 3 – 4 tầng hoa… Các chậu lan hồ điệp còn được gắn thêm chủ đề như: Mã đáo thành công, tài lộc, thuận buồm xuôi gió… để thu hút khách hàng.
Trong khi đó, anh Phan Quốc Tiến (SN 1997, trú thành phố Hồ Chí Minh) đã 7 năm “chạy sô” đi kết hoa lan tết. Năm nay, có khá nhiều cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở Nghệ An và Thanh Hóa liên hệ với anh Tiến để “chốt đơn”. Tuy nhiên vì tốp thợ của anh Tiến chỉ nhận lời người quen ở thành phố Vinh.
Từ nay đến Tết, những người thợ kết hoa lan sẽ cố gắng tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành các đơn hàng. Những người thợ có tay nghề cao, mỗi ngày thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-hoa-quy-toc-giau-da-danh-o-mot-thanh-pho-cua-nghe-an-ngoi-nha-lam-viec-nay-ra-100-trieu-20250108142118771.htm