(NLĐO) – Cuộc hội thảo “AI for a Better World” là dịp thảo luận về việc ứng dụng AI trong khoa học và giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu.
Ngày 11-1, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức hội thảo “AI for a Better World” với điểm nhấn xoay quanh các vấn đề thời sự toàn cầu như: Phát triển AI an toàn và vững bền; các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và AI; chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho biết hội thảo quy tụ gần 500 đại biểu quốc tế và trong nước. Sự kiện này là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận về việc ứng dụng AI không chỉ trong khoa học mà còn trong việc giải quyết thách thức cấp bách toàn cầu trong những lĩnh vực như y tế, giáo dục và quản trị…
Đặc biệt, hội thảo đã thu hút gần 30 bài nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học tầm cỡ thế giới, tập trung vào những ứng dụng đột phá của công nghệ, AI trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, công nghệ xã hội,… Nhiều tham luận đề cập những lo ngại của người dùng AI trên toàn thế giới như mất việc làm, bị lừa đảo,…
Lấy ví dụ từ việc thành lập hệ thống liên bang đã thay đổi hiệu quả trong công tác quản lý, ông Sharad Sharma – Cố vấn cấp cao về AI cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Quốc gia (Ấn Độ), đồng sáng lập iSPIRT Foundation – liên hệ đến câu chuyện ứng dụng AI trở thành một cơ sở hạ tầng số để quản lý khu vực, quốc gia.
Ông chia sẻ Ấn Độ đã xây dựng cơ sở hạ tầng công trên không gian số và tạo nên sự chuyển dịch số mạnh mẽ. Đặc biệt, những giao thức (Protocol) có thể được ứng dụng nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, y tế,… Các công nghệ công được ứng dụng hiệu quả tại Ấn Độ hoàn toàn có thể được chia sẻ đến các quốc gia khác, miễn là khi áp dụng tại quốc gia đó cần có sự phù hợp về văn hóa, lối sống, con người để tạo nên một hệ thống phù hợp nhất.
Kết luận sau hội thảo, ông Ramu Damodaran, quan sát viên thường trực của Đại học Hòa bình (UPEACE) tại Liên hợp quốc hy vọng rằng tất cả các bên liên quan – từ chính phủ cho đến các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp công nghệ và tổ chức xã hội dân sự – cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ chung, gồm: Hợp tác nghiên cứu, phát triển và thiết lập khung chính sách đảm bảo sử dụng AI đúng chuẩn mực đạo đức, đặt lợi ích công chúng lên hàng đầu; đầu tư vào các hệ thống hạ tầng và vốn nhân lực có thể nhân rộng mô hình, cùng các lĩnh vực học thuật liên ngành nhằm liên tục đẩy mạnh cải thiện AI; đấu tranh vì một công nghệ AI quản trị minh bạch, trách nhiệm, rộng mở, biết tôn trọng phẩm giá con người, đảm bảo ai cũng có quyền tiếp cận và thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Nguồn: https://nld.com.vn/hoi-thao-quy-mo-lon-ve-tri-tue-nhan-tao-tai-tp-hcm-196250111175742314.htm