Từ khi Nga dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào ngày đầu tiên của năm 2025, châu Âu đã phải đối mặt với tình trạng nguồn cung eo hẹp, giá cả tăng cao và đe dọa đến an ninh năng lượng. Trong khi đó, Mỹ được hưởng lợi nhờ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Tòa nhà văn phòng của nhà cung cấp khí đốt lớn nhất Slovakia – SPP tại Bratislava. (Nguồn: Xinhua) |
Thỏa thuận thương mại cuối cùng giữa Nga và Ukraine – hai quốc gia đang đối mặt với xung đột quân sự – đã chính thức khép lại ngày 30/12/2024.
Phía châu Âu đã dần cảm nhận được những khó khăn khi khí đốt từ xứ bạch dương không còn “chảy” đến châu Âu theo thỏa thuận trên.
Slovakia là một trong những đất nước có phản ứng mạnh nhất.
Ngày 8/1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng, quyết định đơn phương của Ukraine dừng vận chuyển khí đốt của Nga đang gây ra tổn hại đáng kể cho Slovakia và Liên minh châu Âu (EU). Điều này có thể dẫn đến thiệt hại gần 1,5 tỷ EUR (tương đương 1,55 tỷ USD) cho Slovakia và khoảng 70 tỷ EUR cho khối 27 thành viên.
Trong khi đó, ngày 9/1, phát biểu với các phóng viên tại Brussels sau cuộc gặp với Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen, ông Fico cho biết, chính phủ có thể cân nhắc dừng viện trợ nhân đạo cho Ukraine để ứng phó với tranh chấp đang diễn ra về vấn đề quá cảnh khí đốt của Nga.
Giá khí đốt tăng vọt
Vào năm 2023, khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt của xứ bạch dương được vận chuyển qua Kiev đến châu Âu, chiếm khoảng 5% nhu cầu của châu lục này.
Slovakia – quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga – nhập khẩu khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga qua Ukraine hàng năm, chiếm 2/3 nhu cầu của nước này.
Hiện tại, đường ống Turkish Stream dưới Biển Đen đã trở thành tuyến đường duy nhất còn lại để vận chuyển khí đốt của Moscow đến châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho biết, nếu không có đường ống Turkish Stream, Hungary sẽ “ở trong tình thế cực kỳ khó khăn bởi đây là một quốc gia không giáp biển”.
Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng do nhiệt độ đóng băng, châu Âu đang tiêu thụ lượng dự trữ khí đốt với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2018. Mức dự trữ khí đốt hiện tại đạt 70% công suất – thấp hơn so với mức 86% cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các nước EU, Hà Lan có lượng dự trữ thấp nhất, chỉ ở mức 58%, giảm so với mức 82% của năm trước. Việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt sau những tháng lạnh giá trong năm nay dự kiến sẽ là một thách thức với khối 27 thành viên, có khả năng dẫn đến giá khí đốt tăng cao trong ngắn hạn.
Tại khu vực Transnistria, phương tiện truyền thông địa phương của Moldova đưa tin, 72.000 hộ gia đình đã không có gas, trong khi 1.500 tòa nhà chung cư không có hệ thống sưởi ấm hoặc nước nóng.
Giá gas mà người tiêu dùng phải trả đã tăng 65-75% tính đến tháng 1/2025 so với thời điểm cuối năm ngoái.
Ông Szijjarto cho biết, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng đã tăng 20% sau khi Ukraine ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua lãnh thổ của mình. Ông cho rằng, giá tăng là do “việc cắt giảm nguồn cung” từ Moscow – xuất phát từ các quyết định chính trị và lệnh trừng phạt.
Chỉ số TTF của Hà Lan – chuẩn mực khí đốt tự nhiên của châu Âu – chứng kiến giá giao hàng tháng 2/2025 đạt gần 51 EUR cho mỗi megawatt-giờ vào ngày 2/1, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023. Trong khi đó, để so sánh, hợp đồng tháng 3/2024 có giá khoảng 30 EUR.
Cổng thông tin kinh doanh hàng đầu của Hungary Portfolio cũng đưa tin, giá khí đốt ở châu Âu đã đạt mức cao nhất trong hơn một năm.
Sự gia tăng này đặt ra những thách thức đáng kể cho Hungary – nơi hệ thống giá trần năng lượng của chính phủ đã chịu áp lực và gây gánh nặng tài chính lớn cho nhà nước.
“Giá năng lượng của châu Âu có thể sẽ tăng vọt do ‘tẩy chay’ khí đốt của Nga. Các hộ gia đình, doanh nghiệp châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả” – Ronald de Zoete, chuyên gia dầu khí người Hà Lan. |
Nhận định về nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao, ông Ronald de Zoete, một chuyên gia dầu khí người Hà Lan cho rằng, do lệnh ngừng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine đến EU.
Phát biểu với giới truyền thông Hà Lan, ông nhấn mạnh: “Giá năng lượng của châu Âu có thể sẽ tăng vọt do ‘tẩy chay’ khí đốt của Nga. Các hộ gia đình, doanh nghiệp châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
“Ngoài ra, nhu cầu khí đốt ở châu Âu sẽ tăng đáng kể từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm nay, điều này sẽ dẫn đến giá cao hơn” – ông Joze P. Damijan, một nhà kinh tế và chính trị gia người Slovenia đã viết trong blog của mình gần đây.
Các nước trong khu vực sẽ phải lấp đầy khoảng một nửa công suất lưu trữ khí đốt tại các nhà kho dưới lòng đất vào mùa Hè. Nhưng giá khí đốt lưu trữ của châu Âu có thể có thể tăng gấp đôi so với năm ngoái và năm trước đó.
Châu Âu chiếm 55% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ vào năm 2024. (Nguồn: Financial Times) |
Mỹ hưởng lợi lớn
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, Mỹ đã nổi lên là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho châu Âu.
Theo Ủy ban châu Âu, vào năm 2023, lượng LNG nhập khẩu của EU từ nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 46% tổng lượng LNG nhập khẩu của khối 27 thành viên, gần gấp đôi lượng năm 2021.
Dữ liệu sơ bộ từ công ty tài chính LSEG cũng cho thấy, châu Âu chiếm 55% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ vào năm 2024.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cảnh báo EU rằng, khối này sẽ phải đối mặt với thuế quan thương mại đối với hàng xuất khẩu sang Washington, trừ khi các quốc gia thành viên mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ.
Thủ tướng Slovakia Fico cho biết, việc Ukraine dừng quá cảnh khí đốt Nga giúp ích đáng kể cho Mỹ – nơi có thể tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Theo báo cáo gần đây của Bruegel, một tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Brussels, giá khí đốt bán buôn của EU trung bình cao hơn gần năm lần so với Mỹ vào năm 2024.
Nhà phân tích kinh tế người Croatia Milivoj Pasicek nhận định: “Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hưởng lợi nhiều nhất từ việc châu Âu ‘tẩy chay’ dầu khí của Nga vì họ bán khí đốt của mình với giá cao hơn đáng kể so với khí đốt của Nga. Trong tương lai, giá sẽ tăng cao hơn nữa và Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”.
Ngoài Slovakia và Hungary, đa số các quốc gia trong châu Âu đều muốn ngừng dòng chảy khí đốt qua đường ống từ Nga. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, khí đốt của Moscow không còn là lựa chọn với nhiều nước châu Âu. Các quốc gia đã tìm kiếm các nguồn năng lượng từ nơi khác, chủ yếu là từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, việc nhập khẩu LNG từ Mỹ đi kèm với chi phí hậu cần đáng kể và những chi phí này cuối cùng được chuyển cho người tiêu dùng và doanh nghiệp của châu Âu “chịu trận”.
Như vậy, nhìn tổng quan, việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đã khiến một số quốc gia châu Âu gặp khó. Một cuộc khủng hoảng năng lượng như thời điểm mùa Đông năm 2022 có thể sẽ không đến nhưng việc kìm hãm giá khí đốt trong nước, lấp đầy các kho dự trữ dưới lòng đất sẽ sẽ khiến cho khu vực này “đau đầu”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nguoi-chiu-hau-qua-khi-chau-au-va-ukraine-tay-chay-khi-dot-nga-my-ngoi-khong-huong-loi-bat-ngo-300479.html