Bộ quy tắc AI đầu tiên trên thế giới
Đại đa số các nhà lập pháp châu Âu (MEP) trong ủy ban về quyền tự do dân sự và bảo vệ người tiêu dùng đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Đạo luật AI.
Theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu, dự thảo sẽ đưa ra các hạn chế về cách thức công nghệ có thể được sử dụng trên khắp châu Âu.
Các quy tắc dự thảo sẽ được trình bày trước toàn thể Nghị viện châu Âu vào tháng tới để bỏ phiếu thông qua. Sau đó, các chi tiết sẽ được hoàn thiện với các quốc gia thành viên EU và Ủy ban châu Âu trước khi được đưa ra thành luật.
Các quy định về AI đã trở nên cấp bách hơn trước sự phát triển nhanh chóng của các phần mềm AI như ChatGPT. Cuộc cách mạng đã mang lại những lợi ích và cơ hội do mới cho ngành công nghệ, nhưng cũng cho thấy những nguy cơ mà AI có thể tạo ra.
“Chúng tôi sắp đưa ra luật mang tính bước ngoặt phải chống lại thách thức của thời gian. Điều quan trọng là xây dựng niềm tin của người dân vào sự phát triển của AI”, ông Brando Benifei, đại diện của Ý cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng dự thảo này cân bằng giữa việc cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp và kích thích sự đổi mới ở châu Âu”.
Đạo luật AI là gì?
Đạo luật AI được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021, đặt ra các quy tắc quản lý cho bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Các sản phẩm và dịch vụ AI sẽ được phân chia thành 4 cấp, với các ứng dụng rủi ro hơn sẽ phải đối mặt với các quy định khắt khe hơn, đòi hỏi sự minh bạch và chính xác hơn.
Các công cụ kiểm soát nhằm mục đích xác định trước tội phạm sẽ có thể xảy ra ở đâu và do ai thực hiện. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ xa cũng sẽ bị cấm ngoại trừ việc chống lại và ngăn chặn một mối đe dọa khủng bố cụ thể.
“Mục đích là để tránh một xã hội bị kiểm soát dựa trên AI”, ông Benifei cho hay. “Chúng tôi cho rằng rủi ro công nghệ này được sử dụng cho mục đích xấu là quá cao”.
Mặc dù tài liệu gốc không đề cập chi tiết về chatbot, nhưng các nhà lập pháp đã bổ sung một bản sửa đổi để đặt ChatGPT và AI tổng quát tương tự ngang hàng với các hệ thống có rủi ro cao.
Sau khi được thông qua, EU cho biết luật này sẽ bao gồm “các quy tắc đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo”.
Hoàng Tôn (theo DW)