Tại tọa đàm “Ngành Công Thương Việt Nam – Tái cơ cấu để phát triển bền vững” tổ chức ngày 12/5, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), chia sẻ: Thành tựu đạt được 10 năm qua quan trọng nhất là đưa nền công nghiệp phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu với tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh 8-9%/năm.
Tất cả các ngành công nghiệp, mặt hàng công nghiệp đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Công nghiệp thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế, với đóng góp lớn nhất cho ngân sách và GDP cả nước.
“Quan trọng nữa, công nghiệp đã đáp ứng cơ bản phát triển thị trường trong nước, góp phần vào tổng mức bán lẻ lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ trong nước, tạo sự cạnh tranh sòng phẳng với hàng hoá của các nước khác trên chính thị trường nội địa. Công nghiệp cũng đóng góp quan trọng cho xuất khẩu, khi 85% mặt hàng được xuất khẩu từ ngành công nghiệp”, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương nói.
Trong năm 2022, xuất nhập khẩu đã ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”.
Theo TS. Nguyễn Văn Hội, tuy xuất khẩu con số tương đối lớn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì nhiều mặt hàng từ doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng hay sự tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp, nhất là về công nghệ. Doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam đã cam kết là hoạt động đầu tư có hỗ trợ, nhưng tỷ lệ vô cùng thấp.
Chính vì vậy, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương cho rằng, cần xây dựng quy định ràng buộc hơn nữa trong chuyển giao công nghệ và thực hiện các cam kết. Từ năm 2022 đến 4 tháng năm 2023 thấy rõ tác động, sự suy giảm của khối doanh nghiệp FDI khiến xuất khẩu của cả nước bị kéo giảm. Trong quá trình tái cơ cấu cái gì khó khăn, chưa đạt phải điều chỉnh để phù hợp với tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, lưu ý, cần hiểu tái cơ cấu là một trong nhiều cách thức tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vai trò của các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” trong quá trình tái cơ cấu rất quan trọng.
Ông Nam nhấn mạnh, những năm gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu đàn trong ngành ô tô, thủy sản, dệt may,… chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân nhờ nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
“Tôi tin rằng trong tương lai gần, nếu chúng ta duy trì được điều này sẽ xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt”, ông nói.
Tuy nhiên, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, muốn tái cơ cấu một ngành nói chung và từng doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng thì một mình ngành Công Thương không làm được, mà cần phải thực hiện đồng bộ.
Trong đó, về mặt tư duy, tư duy phát triển doanh nghiệp và tư duy phát triển ngành phải linh hoạt. Vấn đề ở chỗ người làm chính sách vẫn chưa thể hiện tính phù hợp, lệch nhịp giữa chính sách và thực lực cũng như thực tế.
TS. Nguyễn Văn Hội bày tỏ đồng tình: Trong quá trình phát triển, phải dựa vào kinh tế tư nhân, tự hình thành con sếu đầu đàn. Dựa vào sếu đầu đàn FDI không là khả thi. Chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng điều này để thấy trong quá trình tái cơ cấu, cần xây dựng doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành sếu đầu đàn nắm bắt khoa học công nghệ để dẫn dắt.
“Quan điểm của tôi là cần xây dựng các con sếu đầu đàn là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam – có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài. Tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để mang lại sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp khác trong giai đoạn tới” – TS. Nguyễn Văn Hội chia sẻ.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030. Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6-8%/năm; tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 13-13,5%/năm. |