(CLO) Cuộc khai quật khảo cổ năm 2024 đã đem lại nhận thức mới, tiến thêm một bước quan trọng trong nhận diện về Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng.
Đây là đánh giá được đưa ra tại Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2024 của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, chiều 10/1.
Theo đó, năm 2024, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò trên diện tích 500m2, nhằm làm rõ cấu trúc không gian của điện Kính Thiên.
Cuộc khai quật được tiến hành trên 4 địa điểm: Hố thứ nhất (H1) tại khu vực tây nam Hậu Lâu (phía tây bắc Chính điện Kính Thiên, nơi thiết triều của hoàng đế thời Lê sơ trở về sau).
Hố thứ hai (H2) ngay trên nền điện Kính Thiên; hố thứ ba (H3) nằm ở khoảng giữa không gian từ điện Kính Thiên và Đoan Môn, chếch về phía tây. Hố thứ tư (H4) nằm ngay phía sau cổng Đoan Môn về phía điện Kính Thiên, cách hố khai quật tại khu vực cổng trước đó một quãng ngắn.
Kết quả tại hố H1 đã xuất lộ một số dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, Lê Trung hưng và Lê sơ. Trong đó, các dấu tích móng cột xuất lộ được phát hiện trong năm 2024 có sự tiếp nối về phía Tây của kiến trúc hành lang thời Lê sơ đã xuất lộ trong cuộc khai quật năm 2023.
Tại hố khai quật H2, kết quả khai quật đã cung cấp thông tin quan trọng, đó là dấu tích bó nền thời Nguyễn vẫn kéo dài từ đông sang tây, các dấu tích móng cột thời Lê Trung Hưng đều cùng trục với 2 hàng móng hồi đã phát hiện trước đó vào năm 2011 và 2023. Kết quả này, đã làm rõ hơn nữa cấu trúc nền móng của chính điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII).
Ở hố khai quật H3 đã xuất lộ 3 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII). Các dấu tích này đều là sự tiếp nối của kiến trúc hành lang và tường bao đã phát lộ từ năm 2014 – 2015.
Khu vực hố khai quật H4, ở độ sâu khoảng 1,2m đã xuất lộ dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng gồm: sân Đan Trì, Ngự đạo và cụm gạch đầm.
Phát hiện thú vị nhất là dưới Ngự đạo và Đan Trì thời Lê Trung hưng khoảng 30cm là một cống thoát nước ngầm khá lớn (cao 53cm, lòng rộng 37cm) có chức năng tiêu thoát nước cho toàn bộ khu vực không gian Đại triều. Các dấu tích này cũng là sự tiếp nối của những lần khai quật trước đó.
Theo các nhà nghiên cứu, cuộc khai quật năm 2024 dù chỉ với diện tích nhỏ nhưng đã đem lại nhiều nhận thức mới, tiến thêm một bước quan trọng trong nhận diện về Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI) và Lê Trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII) trên các phương diện kiến trúc, vật liệu, mặt bằng tổng thể và kỹ thuật xây dựng.
Các nhận diện mới càng làm nổi bật thêm giá trị toàn cầu của khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long. Những phát hiện này sẽ là cơ sở để hướng tới việc nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên; đồng thời, cho thấy sự cần thiết phải hạ giải một số công trình để làm rõ hơn nhận thức về giá trị Hoàng thành Thăng Long như Quyết định số 46 COM 7B.43 của UNESCO thông qua vào tháng 7/2024.
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-hien-them-nhung-dau-tich-moi-ve-khong-gian-dien-kinh-thien-post329908.html