Về Đường Lâm là về với không gian văn hóa nông thôn truyền thống của người Việt, với những ngôi nhà cổ, có tuổi đời lên tới 400 năm.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km, Đường Lâm là vùng đất có từ xa xưa để chỉ 9 làng cận kề nhau, thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. (Ảnh: Nina May) |
Làng cổ ở Đường Lâm, xưa thuộc đất Kẻ Mía, thuộc vùng bán sơn địa, lưng dựa vào núi Tản, mặt hướng về phía sông Hồng là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa với hơn 50 di tích có giá trị, nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng. (Nguồn: Đường Lâm Village) |
Đường Lâm còn được biết đến là “đất hai Vua”, quê hương của hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Ngô Quyền và Phùng Hưng. Bên cạnh đó, làng còn là nơi sinh ra nhiều danh nhân khác như Giang Văn Minh, Phan Kế Bính… Điều này càng làm tăng thêm giá trị lịch sử và văn hóa của Đường Lâm. (Ảnh: Lê Tuấn Anh) |
Tuy gọi là làng cổ nhưng Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó có 5 làng Đông Sàng, Mông Phụ, Đoài Giáp, Cam Thịnh, và Cam Lâm liền kề nhau. Những làng này tuy khác nhau nhưng đều gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với tập quán, phong tục và tín ngưỡng hàng nghìn năm nay không hề thay đổi. (Ảnh: Nina May) |
Về Đường Lâm là về với không gian văn hóa nông thôn truyền thống của người Việt, với những ngôi nhà mái ngói mộc mạc, đình làng nhộn nhịp ngày hội, phiên chợ quê với thúng mủng, bánh trái đơn sơ, cảnh những người nông dân sớm hôm cày cuốc trên đồng… Đó là những thước phim tư liệu sống động hiện hữu trước mắt du khách chứ không phải chỉ nghe qua lời kể của những thế hệ đi trước. Trong ảnh: Đình làng Mông Phụ. (Ảnh: Nina May) |
Đến làng cổ ở Đường Lâm, hình ảnh đầu tiên mà du khách cảm nhận là cây đa to sừng sững nằm cạnh cổng làng Mông Phụ. Hình ảnh này đã tồn tại từ nhiều đời nay, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của ngôi làng. Cổng được xây dựng vào năm 1833. Phía trên có dòng chữ “Thế hữu hưng nghi đại” tạm dịch là: Các thế hệ sau của làng luôn có tinh thần phát huy, kế tục những giá trị văn hóa hiếu học, mối đoàn kết làng xóm của cộng đồng. Bước chân qua chiếc cổng làng chúng ta được trở về với làng quê yên ả thanh bình. (Nguồn: Người Sơn Tây) |
Đường Lâm gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi không gian kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn thời gian. Ấn tượng nhất là những ngôi nhà cổ, có tuổi đời lên tới 400 năm với nhiều giá trị kiến trúc truyền thống vẫn còn được người dân gìn giữ, là không gian sinh hoạt của những gia đình ở đây. (Nguồn: aFamily) |
Theo thống kê của Ban quản lý làng cổ Đường Lâm, hiện tại có tổng số 956 ngôi nhà cổ, tập trung chủ yếu ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850… đến bây giờ, tuổi đời xấp xỉ 300 – 400 năm. Tất cả đều được xây dựng bằng đá ong, gỗ xoan, gạch đất nung, ngói, với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian. (Nguồn: Crystal Bay) |
Cổng vào nhà có đường nét mềm mại, được một người dân địa phương giải thích đó là hình quai giỏ. Những lối đi trong làng đều lát gạch nghiêng, hai bên tường hoặc trên lối có thêm những giàn hoa thiên lý, hoa dây leo bám vào tường làm không gian xanh mát dẫn lối. (Nguồn: Du lịch xứ Đoài) |
Ngoài sân vườn vẫn có giếng đá ong cổ, nước giếng rất trong có thể sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Du khách bị hấp dẫn bởi những con đường gạch lát sạch sẽ và cảm nhận sự ấm cúng, bình yên của con người ở đây khi đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm, giếng nước, sân đình, ruộng nước, những ngôi chùa uy nghi. (Nguồn: Đường Lâm village) |
Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, bước qua cánh cửa gỗ đã ngả màu thời gian là đã thấy thời gian như đang ngưng đọng lại, với những ngôi nhà còn treo hoành phi, câu đối đã có tuổi đời cả trăm năm, những bộ sập gụ, tủ chè đã tồn tại từ mấy thế hệ. ((Nguồn: Đường Lâm village) |
Theo những con đường làng, du khách sẽ đến những điểm thăm quan nằm quanh làng như đình làng Mông Phụ, nhà thờ Giang Văn Minh, chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền… gắn với truyền thống yêu nước của dân tộc. Trong ảnh: Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh là một điểm nhấn văn hóa đặc biệt, nơi lưu giữ dấu ấn của một bậc danh nhân kiệt xuất. (Nguồn: Crystal Bay) |
Nơi đây, người dân vẫn cùng nhau gìn giữ, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nền văn minh văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng đã đã tồn tại bao đời nay. Tất cả đều quây quần trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông đã làm cho việc khám phá làng cổ càng trở nên hấp dẫn hơn. Trong ảnh: Đền thờ và lăng Ngô Quyền. (Nguồn: Crystal Bay) |
Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia năm 2006. Và mới đây, vào cuối tháng 11/2019, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch cấp thành phố Làng cổ ở Đường Lâm. (Ảnh: Nina May) |
Việc công nhận Đường Lâm là Di tích lịch sử văn hoá đã đưa ngôi làng này lên một vị thế mới, có ý nghĩa đặc biệt về du lịch và giáo dục lịch sử, văn hoá của dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay. Trung bình mỗi năm, làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế. (Ảnh: Nina May) |
Với thương hiệu “Làng Việt cổ”, Đường Lâm là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong những năm qua. Những hoạt động như thăm quan đình, chùa, phủ, miếu, nhà thờ họ, nhà cổ, đường làng, ngõ xóm, giếng cổ… đã trở thành trải nghiệm luôn có khi tới nơi này. Trong ảnh: Tháp cổ ở chùa Mía. (Ảnh: Lê Tuấn Anh) |
Không chỉ trải nghiệm cuộc sống làng cổ, đến với Đường Lâm, du khách cũng có dịp thưởng thức các món ăn nông thôn dân dã – đặc sản nơi đây như gà mía, bánh tẻ, canh rau muống chấm tương, cá kho, tôm đồng… hay nhẹ nhàng tráng miệng với tách chè tươi Cam Lâm, kẹo bột Đông Sàng… Trong ảnh: Chè lam là một thức quà quê dân dã, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc của người dân Đường Lâm. (Nguồn: báo Tuổi trẻ Thủ đô) |
Nếu người Hội An tự hào về phố cổ, người Hà Nội hãnh diện với 36 phố phường thì người Đường Lâm cũng có thể tự hào không kém về những ngôi nhà đá ong và làng cổ Đường Lâm vẫn là một địa chỉ thu hút khách du lịch mỗi khi họ đến Sơn Tây. Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập nhưng vẫn sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, làng cổ Đường Lâm chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên. Trong ảnh: Nghề làm tương ở Đường Lâm. (Ảnh: Nina May) |
(tổng hợp)
Nguồn: https://baoquocte.vn/lang-co-duong-lam-noi-luu-giu-net-van-hoa-dong-bang-bac-bo-300424.html