Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế…
Trong 5 năm tới, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến…
Nghị quyết 57 đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu cũng như việc tổ chức thực hiện, giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong hệ thống chính trị. Ở bài viết trước, từ góc độ một chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ, tôi đề xuất các nhóm giải pháp góp phần thực hiện nghị quyết trên cơ sở “chọn gì để làm, chọn gì chưa nên làm và xác định đâu là ưu tiên lớn nhất”. Đây chính là mô hình quản trị chiến lược hiện đại, nơi hiệu quả và thực tiễn được đặt lên hàng đầu, đồng thời vẫn bảo đảm định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong suốt quá trình kiến tạo tương lai số của Việt Nam.
Có dịp tham quan một số trung tâm đổi mới sáng tạo ở các nước phát triển, điều khiến tôi ấn tượng không chỉ nằm ở sự tối tân của máy móc hay quy mô đầu tư, mà quan trọng hơn là tư duy “lựa chọn có chủ đích” trong triển khai dự án.
Thành công của các nước đó khiến tôi nhận ra rằng, nếu Việt Nam biết tập trung vào các lĩnh vực thật sự có tiềm năng vượt trội hoặc nhu cầu thiết yếu, đồng thời linh hoạt trong quản lý và điều phối, chúng ta nhất định sẽ tận dụng được vận hội từ làn sóng công nghệ toàn cầu.
Từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần ưu tiên tập trung vào một số công nghệ mang tính lõi và liên ngành, có thể làm nền tảng thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác.
Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) không chỉ phục vụ quản trị công mà còn mở ra cơ hội bứt phá trong y tế, nông nghiệp, giáo dục và sản xuất.
Thứ hai, công nghệ bán dẫn, vi mạch chính là “trái tim” của kỷ nguyên số, gắn liền với mọi sản phẩm điện tử và hệ thống tự động hóa.
Thứ ba, năng lượng sạch và môi trường cũng là lĩnh vực đòi hỏi giải pháp công nghệ cao, từ vật liệu mới cho đến ứng dụng IoT để giải quyết các vấn đề về điện, nước, rác thải. Tôi tin rằng với cách tiếp cận này, Việt Nam có thể xây dựng dấu ấn mạnh mẽ trong chuỗi giá trị công nghệ thế giới, thay vì ôm đồm nhiều hướng phát triển mà không đạt đến bước ngoặt cụ thể.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cũng cho thấy Việt Nam cần thiết kế một hệ thống chính sách theo hướng “mở” và linh hoạt. Không phải mọi mô hình kinh doanh hay sản phẩm mới đều có thể thành công ngay từ lần đầu triển khai, nhưng cơ chế “mở” sẽ giúp những sáng kiến triển vọng được thử nghiệm thực tế, nhanh chóng được điều chỉnh và có thể được mở rộng quy mô khi mang lại hiệu quả tích cực.
Tinh thần này cũng đòi hỏi các nhà quản lý chấp nhận rủi ro nhất định, cho phép doanh nghiệp và tổ chức đổi mới sáng tạo trong một khuôn khổ quản lý rõ ràng nhưng không quá gò bó. Chính sách “mở” còn là cách để nhà nước dẫn dắt, tạo đà cho các mô hình công nghệ mới bước đầu khẳng định giá trị.
Việc tuyên truyền rộng rãi về hiệu quả của các ứng dụng mới, song song với xây dựng khung pháp lý nghiêm túc để bảo vệ quyền riêng tư, là hai yếu tố không thể tách rời. Tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi đây chính là nguồn “nhựa sống” để ý tưởng khởi nghiệp có không gian phát triển, lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế số Việt Nam.
Một giải pháp khác cũng hết sức then chốt là phát huy sức mạnh hợp tác quốc tế. Việt Nam cần chủ động tận dụng các hiệp định thương mại, mở rộng liên kết với tập đoàn công nghệ hàng đầu để du nhập công nghệ lõi, cử nhân sự sang học hỏi, huấn luyện. Qua đó, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình “học nhanh, làm nhanh”, kịp thời nắm bắt các thành tựu tiên tiến của thế giới, tránh lỡ nhịp trước các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Cuối cùng, yếu tố “quản trị thay đổi” luôn giữ vai trò quyết định trong mọi chiến lược. Bản chất của đổi mới sáng tạo là chấp nhận rủi ro, vì sẽ luôn có những dự án thí điểm không mang lại kết quả như kỳ vọng. Điều quan trọng là chúng ta cần cơ chế theo dõi, đánh giá sát sao, biết rút ra bài học kịp thời, đồng thời duy trì sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với tình hình thực tế.
Mặt khác, công tác chỉ huy xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương phải được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm mọi mắt xích đều hiểu rõ mục tiêu, nội dung, cách thức tiến hành, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Khi quy trình này được vận hành đồng bộ, “từ trên xuống dưới” và “từ dưới lên trên”, sức mạnh tổng hợp sẽ được phát huy, đưa chúng ta đến gần hơn với những thành công cụ thể trên hành trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ.
Trong mọi chiến lược quy mô quốc gia, việc xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện và giám sát đóng vai trò quan trọng không kém quá trình hoạch định ban đầu. Đối với công cuộc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học, công nghệ, nhiệm vụ này lại càng mang tính sống còn, đòi hỏi một hệ thống vận hành tinh gọn, thống nhất và có sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Theo Nghị quyết 57, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Việt Nam cũng sẽ thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Có thể nói những quyết định trên là nền tảng và động lực mạnh mẽ để thực hiện thành công Nghị quyết 57. Cùng với sự chỉ huy tập trung từ Trung ương, chúng ta cần thúc đẩy cơ chế phân cấp cho địa phương. Rõ ràng, mỗi tỉnh, thành có đặc thù kinh tế – xã hội riêng, nên cần được trao quyền sáng tạo và linh hoạt nhất định để đề xuất, triển khai các dự án phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, quá trình phân cấp phải bảo đảm tuân thủ bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và nền tảng dữ liệu thống nhất. Điều này không chỉ giúp các địa phương chủ động thử nghiệm sáng kiến mới, mà còn thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực, khuyến khích việc chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công và nhân rộng mô hình hiệu quả. Khi đó, kết quả đạt được sẽ mang tính “vết dầu loang”, lan tỏa từ địa phương đến toàn quốc, tạo động lực chung cho cả hệ thống.
Khi Nhà nước định hướng, doanh nghiệp tích cực tham gia, người dân đồng hành, và cả xã hội cùng nhau “vươn mình” theo tinh thần của Nghị quyết 57, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một tương lai mà Việt Nam không chỉ theo kịp xu thế toàn cầu, mà còn chủ động làm chủ công nghệ, trở thành một quốc gia phát triển, thịnh vượng trong kỷ nguyên số.
Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước – VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là Phó Viện trưởng viện Blockchain và AI.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/viet-nam-vuon-minh-trong-ky-nguyen-so-uu-tien-cong-nghe-loi-20250107131913964.htm