Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo khởi sắc hơn.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương xung quanh Nghị định này.
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) (ảnh Cấn Dũng) |
– Năm 2025, Nghị định ban hành đầu tiên của Chính phủ là Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ông nhìn nhận ra sao về sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu gạo?
TS Lê Quốc Phương: Gạo là một trong những mặt hàng rất quan trọng và đặc biệt của nền kinh tế vì không chỉ mang lại thành tích cho hoạt động xuất khẩu, mang về ngoại tệ cho đất nước mà còn liên quan đến đời sống và thu nhập của người nông dân – lực lượng đông đảo trong xã hội, đời sống còn nhiều khó khăn, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Chính vì vậy, hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng nhận được sự quan tâm và dành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi. Đây cũng là lý do xuất khẩu gạo đạt thành tích rất cao trong năm 2024. Tính chung cả năm, Việt Nam đã xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay, đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá. Đặc biệt, gạo Việt Nam đã nhiều lần đạt mức giá cao nhất thế giới.
Năm 2025, Nghị định ban hành đầu tiên của Chính phủ là Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Tại Nghị định này, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới. Với sự quan tâm này, hy vọng hoạt động xuất khẩu gạo sẽ có được kết quả tốt trong năm 2025.
Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục năm 2024 (Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời) |
– So với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Nghị định 01/2025/NĐ-CP có nhiều điều khoản nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh Ấn Độ vừa bãi bỏ lệnh xuất khẩu gạo khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên, cạnh tranh xuất khẩu gạo tăng cao, theo ông, những sự đổi mới sẽ góp sức ra sao với công tác xuất khẩu gạo?
TS Lê Quốc Phương: Về cơ bản, Nghị định 01/2025/NĐ-CP có nhiều nội dung giữ nguyên như Nghị định 107/2018/NĐ-CP, song cũng bổ sung nhiều điều khoản nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Cụ thể, Nghị định 01/2025/NĐ-CP nêu rõ: ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo. Việc dành nguồn vốn ưu tiên cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong bối cảnh hoạt động này gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: Định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Thay vì phải báo cáo hàng tuần, quy định trên được Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi như sau: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành. Như vậy, đây cũng là điều khoản sẽ giúp thương nhân giảm bớt thời gian, công sức thực hiện báo cáo.
– Bên cạnh việc tạo thuận lợi, cơ quan chức năng cũng bổ sung thêm 1 yếu tố khiến thương nhân bị rút giấy phép, đó là thương nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Điều này cho thấy cơ quan chức năng bên cạnh tạo điều kiện thì cũng tiếp tục đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào khuôn khổ. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
TS Lê Quốc Phương: Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong 7 trường hợp. Trong khi đó, Nghị định 01 bổ sung thêm quy định là trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định này thì thương nhân sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Như vậy, thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác xuất khẩu và công tác báo cáo với cơ quan chức năng, tránh trường hợp doanh nghiệp lấy lý do để trốn tránh việc báo cáo với cơ quan chức năng.
Nghị định mới cũng nâng cao trách nhiệm của các Bộ ngành trong việc điều hành xuất khẩu gạo như yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính phải ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho thương nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Công Thương nơi thương nhân có kho chứa thóc, gạo phối hợp với cơ quan liên quan của tỉnh/thành phố tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
Như vậy, trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương đều phải được nâng cao trong thời gian tới. Khi trách nhiệm của bộ ngành, địa phương cùng nâng cao, chắc chắn hiệu quả xuất khẩu gạo cũng sẽ nâng cao.
– Trước kết quả cao kỷ lục của hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024, cùng với Nghị định mới được ban hành, ông nhận định gì về tình hình xuất khẩu gạo năm 2025?
TS Lê Quốc Phương: Phải khẳng định lại một lần nữa là kết quả xuất khẩu 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị của xuất khẩu gạo là rất ấn tượng. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng tăng 16,7% so với năm 2023. Đây là bước bứt phá vô cùng ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.
Có thể thấy, trước đây, Việt Nam đã nhiều lần gặp khó khăn khi xuất khẩu gạo. Tuy nhiên hiệnn nay, uy tín của hạt gạo Việt Nam đã ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, đối với xây dựng thương hiệu, sau một thời gian, thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường thế giới. Gạo Việt Nam đã không chỉ xuất khẩu đến các thị trường truyền thống mà còn đến nhiều thị trường mới với giá trị ngày càng cao.
Với đà xuất khẩu gạo của năm 2024, tôi kỳ vọng rằng năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo sẽ vẫn giữ vững lợi thế. Đồng thời, với các giải pháp hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm như Nghị định 01 đề ra, mong rằng các doanh nghiệp sẽ tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để hạt gạo ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao và bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2024, gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Philippines, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Ghana…; trong đó, Philippines tiếp tục duy trì là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là nhà cung ứng gạo hàng đầu của quốc gia này. |
Nguồn: https://congthuong.vn/nghi-dinh-012025nd-cp-ky-vong-nang-cao-hieu-qua-xuat-khau-gao-369010.html