TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Hơn 52 triệu cử tri Thái vào ngày 14-5 tới sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Hạ viện khóa mới của nước này. Trong trường hợp không đảng nào giành được đa số để thành lập chính phủ, họ sẽ phải hợp tác với các đảng khác để thành lập chính phủ liên minh. Theo đó, chính phủ liên minh phải giành được ít nhất 251 trong số 500 ghế Hạ viện. Tuy nhiên, ứng viên cho chức thủ tướng là vấn đề quan tâm nhất và khó đoán định.
Ông Pita Limjaroenrat hiện là ứng viên sáng giá nhất, nhận được 35,44% phiếu bầu trong cuộc thăm dò dư luận của NIDA hôm 3-5. Ảnh: Nikkei Asia
Để được chọn làm thủ tướng, ứng viên cần giành được ít nhất 376/750 phiếu bầu từ quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện). Ngoài ra, chỉ ứng viên đại diện cho chính đảng giành được ít nhất 25 ghế trong Hạ viện mới được xem xét giữ vai trò thủ tướng.
Đáng chú ý nhất là cuộc đua cho chiếc ghế thủ tướng Thái Lan năm nay còn có sự hiện diện của những ứng viên trẻ, gồm Pita Limjaroenrat. Nhà lãnh đạo của đảng Tiến bước 43 tuổi này trước khi tham gia chính trị từng theo học tại Đại học Harvard (Mỹ), sau đó trở thành doanh nhân và là giám đốc điều hành của dịch vụ Grab của Thái Lan. Năm 2019, ông Pita lần đầu được bầu làm nghị sĩ. Ông từng gây ấn tượng với bài phát biểu về chính sách nông nghiệp. Một số nhà phân tích cho rằng ông Pita đã đưa đảng Tiến bước đi theo lập trường ôn hòa hơn. Đây là đảng duy nhất cam kết thúc đẩy cải cách luật khi quân của Thái Lan, một trong những đạo luật hà khắc nhất thế giới, phạt tù đến 15 năm đối với tội xúc phạm, phỉ báng, chỉ trích quốc vương hoặc thành viên hoàng tộc. Ông Pita tuyên bố sẽ phi quân sự hóa chính trị, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc và xử lý các công ty độc quyền thống trị nền kinh tế Thái Lan. Trong cuộc thăm dò dư luận của Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA) của Thái Lan hôm 3-5, ông nổi lên là ứng viên thủ tướng được ủng hộ nhiều nhất, với 35,44% phiếu bầu.
Ngoài ông Pita thì bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, cũng là một ứng viên sáng giá. Bà là con út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Bà Paetongtarn vận động chủ yếu ở các vùng nông thôn. Tại một sự kiện hồi tháng 3, bà Paetongtarn vạch ra nhiều chính sách, bao gồm cải thiện điều kiện lao động, cam kết tăng mức lương tối thiểu hàng ngày lên gần gấp đôi, đạt mức 600 baht (17,61USD), giảm ô nhiễm và biến Thái Lan thành một trung tâm công nghệ tài chính. Bà hiện là giám đốc một công ty bất động sản và là cổ đông lớn của một doanh nghiệp khác. Trong một cuộc thăm dò hồi tháng 3, tỷ lệ người được hỏi ủng hộ bà Paetongtarn làm thủ tướng là 32,1%, cao nhất trong các ứng viên. Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò dư luận của NIDA hôm 3-5, bà chỉ xếp thứ hai, với 29,2% phiếu bầu. Tuy nhiên, đảng Vì nước Thái của bà đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây.
Theo Guardian, bà Paetongtarn từng theo học ở Vương quốc Anh, sau đó làm việc trong đế chế kinh doanh của gia đình trước khi tham gia chính trường thời gian gần đây. Hôm 1-5, bà Paetongtarn hạ sinh con thứ hai nhưng chỉ 2 ngày sau đó đã quay lại với đường đua vận động tranh cử. Tuy nhiên, đang có nhiều lo ngại cho rằng chiến thắng dành cho con gái út của ông Thaksin, nhân vật gây chia rẽ nhất Thái Lan, bị một cuộc đảo chính quân sự lật đổ hồi năm 2006 và phải sống lưu vong trong hơn một thập niên để tránh bị truy tố vì tội lạm quyền, có thể đẩy nước này trở lại vòng xoáy biểu tình và can thiệp quân sự quen thuộc.
Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha cũng là một đối thủ đáng gờm. Ông Prayuth lên nắm quyền từ năm 2014 sau cuộc đảo chính của quân đội và chính thức được bầu vào vị trí Thủ tướng trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2019. Ông đang vận động tái tranh cử với vai trò là đại diện đảng Dân tộc Thái Đoàn kết (UTN). Những người ủng hộ ông Prayuth nói rằng ông đã mang lại sự ổn định cho Thái Lan và hết lời ca ngợi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 của ông. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ông đang thiếu sự ủng hộ, khi chỉ nhận được 14,84% phiếu bầu trong cuộc thăm dò dư luận của NIDA hôm 3-5. Ông bị các cử tri trẻ ủng hộ dân chủ phản đối kịch liệt, tố ông kìm hãm sự phát triển của Thái Lan.