Chiều 12/5, tiếp Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Kitack Lim, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị IMO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành hàng hải, nhất là trong khoa học quản lý, đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng đánh giá cao chuyến thăm đầu tiên của Tổng Thư ký IMO đến Việt Nam; cảm ơn những đóng góp, hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc, trong đó có vai trò của IMO với Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm trong thực thi các công ước quốc tế nói chung và công ước quốc tế về hàng hải nói riêng. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với những xu hướng mới, trên tinh thần tôn trọng, hợp tác cùng phát triển, là đối tác tin cậy, Chính phủ Việt Nam mong muốn IMO tiếp tục là tổ chức quốc tế tiên phong, thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên trong lĩnh vực hợp tác hàng hải.
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới. Kim ngạch thương mại Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 732 tỷ USD. Việt Nam có bờ biển dài trên 3.000 km, nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng, nhiều cảng biển nước sâu. Do đó, Việt Nam có vị trí chiến lược, tiềm năng rất lớn để phát triển ngành hàng hải. Trong nhiều năm qua, ngành hàng hải Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự hỗ trợ của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực biển, hàng hải, Thủ tướng đề nghị IMO và ngài Tổng Thư ký tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực về hàng hải, biến tiềm năng phát triển hàng hải thành những lợi thế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải và tham gia ký kết, triển khai các điều ước quốc tế về hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và quyền tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển, đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển được thông suốt, thuận lợi.
Tổng Thư ký IMO bày tỏ ngưỡng mộ và chúc mừng các thành tựu phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, ấn tượng mạnh mẽ trước tầm nhìn, quyết tâm, nỗ lực, giải pháp của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Kitack Lim cho rằng, tuy là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đang quyết tâm và nỗ lực, hành động như một nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, mong muốn được Thủ tướng chia sẻ thêm về nội dung này; đề nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các nước thành viên, cùng IMO thực hiện các cam kết về giảm phát thải, phát triển ngành hàng hải bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ những cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Nhấn mạnh tiềm năng lớn của Việt Nam trong phát triển năng lượng gió, mặt trời, điện sinh khối, hydrogen…, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thông qua văn kiện về phát triển hệ sinh thái xe điện, cũng là để góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.
Thủ tướng đề nghị IMO nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển ngành hàng hải; xây dựng và hoàn thiện thể chế; cung cấp vốn, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Đặc biệt, đề nghị IMO hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng hải, tiếp tục xem xét cấp học bổng cho các cán bộ ngành hàng hải Việt Nam để tham gia các khóa đào tạo nâng cao tại các cơ sở đào tạo của IMO trên thế giới.
Tổng Thư ký IMO đồng tình cao với các quan điểm và cho biết IMO sẽ tích cực triển khai các đề xuất hợp tác theo ý kiến của Thủ tướng, nhất là trong hỗ trợ đào tạo nhân lực.