Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ được Vương triều Hồ xây dựng vào năm 1402, cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam, và có diện tích hơn 2ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là cánh đồng Nam Giao, cấu trúc gồm nhiều cấp nền thu hẹp dần từ thấp đến cao.
Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Trong lòng nền cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m. Tại đây còn lưu giữ khá nhiều dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao: Nền Thượng, nền Trung, nền Hạ.
Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…).
Viên đàn là trung tâm và quan trọng nhất của đàn. Đây là nơi Hoàng đế tiến hành các nghi lễ tế.
Lễ tế nhằm mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.
Giếng vua là công trình được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ học Đàn tế Nam Giao. Giếng vua có dáng hình vuông. Phần thành giếng được xây bằng các khối đá xanh gia công kỹ lưỡng tạo thành bậc thu nhỏ dần từ ngoài vào lòng, tạo hình kim tự tháp ngược.
Du khách tham quan Đàn tế Nam Giao.
Nghi thức tế lễ tại Đàn Nam Giao.
Đàn tế Nam Giao bị quên lãng trong lòng đất qua nhiều thế kỷ. Khu Di tích đàn Nam Giao được phát hiện, đưa vào thống kê từ những năm 80 của thế kỷ XX. Năm 1990, cụm di tích lịch sử văn hóa gồm: Đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng (Tường Vân), chùa Giò (Nhân Lộ) và đàn tế Nam Giao đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tháng 10-2007, đàn Nam Giao đã được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia.
Nguồn: https://vhds.baothanhhoa.vn/dan-te-nam-giao-quan-the-kien-truc-dac-trung-cua-vuong-trieu-ho-26500.htm