Năm 2025, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút nhóm du khách hạng sang, nhằm đạt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng.
Năm 2025, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút nhóm du khách hạng sang, nhằm đạt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng.
Du khách khám phá làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) (Ảnh: Linh Tâm) |
Khẳng định sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đề ra, trong đó khách du lịch tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, gồm 6,35 triệu lượt khách quốc tế (có 4,47 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 34,4% so với năm 2023 và 21,51 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110.520 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: “Năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển du lịch đề ra”.
Đối với thị trường quốc tế, Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới. TP. Hà Nội được vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn, nổi bật như Giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”; “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng; nằm trong nhóm “100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024” do trang nghiên cứu Euromonitor International bình chọn…
– Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
Đối với thị trường trong nước, Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trong hai trung tâm phân phối khách du lịch lớn nhất cả nước, là đầu tàu trong thúc đẩy sự phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc cũng như cả nước.
Ngành du lịch Thủ đô đã chủ động, sáng tạo xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch đêm kết hợp khai thác các yếu tố văn hóa đặc sắc, riêng có của Thủ đô, coi đây là sản phẩm du lịch mới, chủ đạo, trọng tâm trong Chương trình Phát triển du lịch của Thành phố, đến nay đã khai trương 20 sản phẩm du lịch ban đêm, hình thành 7 không gian, tuyến phố đi bộ kết hợp dịch vụ, ẩm thực ban đêm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm như phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Trần Nhân Tông…
Sở Du lịch Hà Nội cũng đã chủ động tham mưu Thành phố tổ chức các sự kiện, chương trình du lịch theo hướng bài bản, chuyên nghiệp và thường niên. Các sự kiện như Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội; Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024… đã tạo tiếng vang lớn, thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch sự kiện.
Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh, năm 2024, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vai trò hạt nhân kết nối du lịch của cả nước. Sở đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố tham gia nhiều chương trình xúc tiến du lịch quốc tế lớn như Chương trình Xúc tiến du lịch Việt Nam – châu Âu tại TP. Munich (Đức); tham gia các chương trình quảng bá du lịch – điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; chương trình roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam tại Australia và New Zealand…
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2025, ngành du lịch Thủ đô phấn đấu tăng trưởng mạnh về doanh thu với con số trên 130.000 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2024. Bà Đặng Hương Giang cho hay: “Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa xây dựng tour du lịch văn hóa trải nghiệm, gắn với du lịch đêm và khai thác giá trị văn hóa truyền thống… để hấp dẫn nhóm du khách có chi trả cao”. Đồng thời, ngành kinh tế xanh Hà Nội sẽ phát triển các tuyến mới hướng phía Bắc, nâng cấp dịch vụ tại các không gian, tuyến phố đi bộ, và đẩy mạnh các sản phẩm du lịch thế mạnh như ẩm thực, MICE, chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển du lịch đường sông, kết nối điểm đến dọc sông Hồng, sông Đuống, mở rộng tuyến từ bến Chương Dương Độ đến Sơn Tây, Ba Vì. Ngoài ra, tăng cường liên kết, quảng bá và xúc tiến các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, ASEAN, EU, cũng như các thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Đông Âu…
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours đề xuất ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. “Trước tiên, về sản phẩm du lịch, Hà Nội đã tập trung phát triển phân khúc cao cấp, nhưng số lượng khu nghỉ dưỡng và khách sạn vẫn thiếu, đặc biệt vào mùa cao điểm, khiến giá cả tăng cao, khó thu hút du khách. Do đó, đầu tư mạnh vào hạ tầng lưu trú là cần thiết. Đồng thời, phát triển các cơ sở quy mô lớn để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, hoạt động giải trí về đêm cần được nâng cấp. Các tuyến phố đi bộ như Hồ Gươm còn đơn giản, thiếu dịch vụ giải trí chất lượng cao để tăng sức hấp dẫn và chi tiêu của du khách”, ông Hoan nhấn mạnh.
Về du lịch sự kiện, ông Hoan cho rằng, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình lớn, nhưng không gian tổ chức hiện còn hạn chế, gây khó khăn trong mở rộng quy mô và kết nối giao thông. Ngành công nghiệp văn hóa, giải trí cần được quy hoạch bài bản, dài hạn để tạo điều kiện cho các sự kiện âm nhạc, thể thao, giải trí thường niên, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch tham gia. “Những cải tiến này sẽ giúp Hà Nội tăng sức hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú và đưa du lịch Thủ đô lên tầm cao mới”, CEO Flamingo Redtours nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/du-lich-ha-noi-but-pha-hut-khach-hang-sang-d239516.html