Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và thường ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và thường ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em.
Dù có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Để ngăn ngừa bệnh sởi và các biến chứng nguy hiểm, việc tiêm phòng đầy đủ là biện pháp quan trọng nhất. |
Hiện tại, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc sởi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 1 tuổi.
Bé L.T.C nhập viện trong tình trạng sốt cao (39°C), ho nhiều, nôn và tiêu chảy. Ban đầu, gia đình nghĩ bé chỉ bị viêm họng thông thường và đưa đến cơ sở y tế địa phương để điều trị.
Tuy nhiên, sau 3 ngày không cải thiện, bé bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục và phát ban đỏ từ mặt, lan xuống thân mình và tay chân. Khi được đưa đến Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, bé được chẩn đoán mắc bệnh sởi, với các triệu chứng điển hình như sốt cao, chảy gỉ mắt, ho, tiêu chảy và phát ban.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị tích cực. Sau vài ngày, tình trạng bệnh của bé dần ổn định, nhiệt độ cơ thể được kiểm soát và ban sởi bắt đầu bay. Tuy nhiên, bác sỹ vẫn cần theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa các biến chứng như viêm phổi hoặc suy dinh dưỡng, những tình trạng có thể xuất hiện trong quá trình hồi phục.
Bé N.T.Q là một trong những ca bệnh nặng nhất tại khoa. Bé bắt đầu có triệu chứng sốt cao (39,5°C), ho khan, ngạt mũi, mắt nhiều gỉ và tiêu chảy từ 3-4 lần mỗi ngày.
Sau hai ngày sốt, bé phát ban đỏ từ mặt, cổ, rồi lan ra thân mình. Đặc biệt, tình trạng của bé xấu đi nhanh chóng và được chẩn đoán mắc sởi với biến chứng viêm phổi.
Trước khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, bé đã phải can thiệp y tế khẩn cấp với việc đặt nội khí quản và hỗ trợ thở.
Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán bé mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), một biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi. ARDS gây tổn thương phổi nặng nề, đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Sau 5 ngày điều trị, bé đã có những tiến triển tích cực, tuy nhiên tổn thương phổi vẫn cần theo dõi và điều trị dài hạn.
ThS. Lê Thị Thu Hiền, bác sỹ điều trị cho bé, cho biết, trường hợp của bé N.T.Q là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Biến chứng ARDS có thể dẫn đến tử vong nếu không có can thiệp y tế tích cực.
Theo bác sỹ Lê Thị Thu Hiền, bệnh sởi thường tiến triển qua ba giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, ho, ngạt mũi, mắt đỏ, viêm long và tiêu chảy. Đây là giai đoạn dễ lây lan nhưng khó nhận diện vì chưa có phát ban sởi.
Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn phát ban, khi các nốt ban đỏ xuất hiện từ sau chân tóc, lan xuống mặt, cổ, thân mình và các chi. Trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi trong giai đoạn này. Cuối cùng, giai đoạn ban bay là khi các nốt ban mờ dần, để lại các vết loang lổ trên da trước khi trẻ hồi phục hoàn toàn.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. Các biến chứng phổ biến của bệnh sởi bao gồm viêm phổi: Là biến chứng thường gặp, có thể gây suy hô hấp nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Viêm não: Là một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài.
Viêm tai giữa: Gây đau tai, mất thính lực nếu không được điều trị kịp thời.
Suy dinh dưỡng: Do trẻ bị sốt kéo dài và không thể ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
Viêm kết mạc: Gây mắt đỏ, sưng và chảy gỉ mắt.
Để ngăn ngừa bệnh sởi và các biến chứng nguy hiểm, việc tiêm phòng đầy đủ là biện pháp quan trọng nhất. Bác sỹ Lê Thị Thu Hiền khuyến cáo, phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ hai mũi vắc xin sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia.
Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc phát ban, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.”
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh khác như cách ly trẻ mắc sởi để tránh lây lan cho người khác. Vệ sinh môi trường sống và rửa tay thường xuyên.
Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi vắc-xin đầu tiên, nhắc lại mũi thứ hai ở 15 – 18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ từ 4 – 6 tuổi.
Đảm bảo vệ sinh mắt, mũi, họng cho trẻ bằng nước sát khuẩn mỗi ngày, tránh tụ tập nơi đông người và hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh sởi.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec nhấn mạnh, tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi bệnh sởi và các biến chứng nghiêm trọng. Các quốc gia trên thế giới yêu cầu tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi phải đạt và duy trì trên 95% để tạo miễn dịch cộng đồng.”
Việc tiêm vắc-xin không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ mà còn ngăn ngừa sự lây lan bệnh trong cộng đồng. Với hiệu quả vượt trội lên đến 98%, vắc-xin sởi là công cụ phòng bệnh hiệu quả nhất, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm.
Sởi là một bệnh có thể phòng ngừa dễ dàng qua tiêm chủng, tuy nhiên, khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ và cộng đồng, phụ huynh cần tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sởi. Việc tiêm chủng vắc-xin sởi đầy đủ là bước đầu tiên và quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: https://baodautu.vn/bien-chung-dang-lo-ngai-cua-benh-soi-o-tre-em-d239939.html