Các Sở GD-ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển cho tất cả các trường; hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 30/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT (có hiệu lực từ ngày 14/2/2025).
Trước thắc mắc của dư luận liên quan các nội dung về quy chế mới trong tuyển sinh, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT):
– Thưa ông, một trong những điểm mới của Thông tư mới là quy định tuyển sinh THCS chỉ theo phương thức xét tuyển, thay vì có thể thi tuyển, kiểm tra đánh giá như trước đây. Ông có thể lý giải về điều chỉnh này?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT quy định tuyển sinh THCS hằng năm theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh vào THCS được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục.
Đến năm 2018, trước thực tế có một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng kí vào học khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Thời điểm khi ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT cũng đã nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi, nghĩa là khi thực hiện xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao thì nhà trường được kết hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển áp dụng đối với những số học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai trong những năm qua, có một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng kí vào trường; vai trò của việc “xét tuyển” trong phương thức kết hợp với “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” theo quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT chưa được thực hiện thỏa đáng.
Thông tư 30/TT-BGDĐT mới ban hành tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển cùng với quy định giao cho các Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, các Sở GD-ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao.
– Tiêu chí riêng đối với các trường có thể phân tích rõ hơn không, thưa ông?
Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh (các hình thức này đã được quy định tại các Thông tư ban hành quy chế đánh giá học sinh của Bộ GD-ĐT) hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (theo tinh thần quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT) bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư 30 đã quy định.
Cần lưu ý thêm, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào thì theo nguyên tắc Thông tư 30/TT-BGDĐT đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các Sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch.
– Cũng liên quan đến thông tư này, ông có thể lý giải vì sao thi tuyển sinh lớp 10, với môn thứ 3 phải đảm bảo không chọn cùng một môn quá 3 năm liên tiếp?
Yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà trường khi dạy học cho học sinh ở cấp THCS là làm sao cho học sinh được học một cách toàn diện, được trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông cơ bản làm nền tảng cho các em học tiếp các bậc cao hơn và định hướng nghề nghiệp tốt.
Cũng vì vậy, nếu chúng ta quy định môn thứ 3 là cố định thì muốn hay không, học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khá. Dẫn tới học sinh học không được toàn diện, gây thiệt thòi trong việc tích lũy kiến thức, phát triển năng lực của bản thân để học lên các bậc học cao hơn cũng như tham gia vào thị trường lao động sau này.
Chẳng hạn nếu như quy định 3 môn Toán, Văn và tiếng Anh; các học sinh sẽ chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành thời gian cho các môn học khác về Lịch sử, Địa lý, Tự nhiên… dẫn tới học sinh không được trang bị đầy đủ các kiến thức tự nhiên, xã hội để học lên các cấp học trên, điều này sẽ rất thiệt thòi cho học sinh.
Quy định môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm nhằm cân đối cho các học sinh tập trung hoàn thành tất cả các môn học theo chương trình, nhưng vẫn có đủ thời gian để ôn luyện, chuẩn bị cả về kiến thức, tâm lý cho các môn dự thi, đảm bảo cân đối, công bằng giữa tất cả các địa phương trên cả nước để học sinh học tập và ôn thi.
Bỏ thi lớp 6, các trường làm sao ‘đãi cát tìm vàng’ với nghìn học bạ điểm 10?
Đầu tư trăm triệu cho con luyện thi lớp 6, phụ huynh hụt hẫng khi Bộ GD-ĐT cấm thi
Bộ GD-ĐT: Bỏ thi tuyển lớp 6, kể cả các trường chất lượng cao
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-gd-dt-ly-giai-quy-dinh-cam-thi-tuyen-lop-6-2361925.html