(Dân trí) – Đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về Ukraine đã chỉ ra sai lầm của Tổng thống Joe Biden khi không đàm phán với nhà lãnh đạo Nga.
“Tôi nghĩ rằng sai lầm lớn nhất mà Tổng thống Biden đã mắc phải là ông ấy chưa bao giờ tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin. Ý tôi là, ông ấy đã không nói chuyện với ông Putin trong hơn 2 năm”, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga, cho biết hôm 8/1.
“Tổng thống Biden đã đối thoại với cả các đối thủ và đồng minh, và ông ấy biết rằng đó là một điều khó khăn, nhưng ông ấy cần thực sự hiểu rằng mình phải đối thoại với tất cả mọi người”, đặc phái viên của ông Trump nhấn mạnh.
Trước đó, tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 năm ngoái, ông Biden cho biết ông “không có lý do để trò chuyện với ông Putin”. Theo ông chủ Nhà Trắng, ông Putin “không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng thay đổi thái độ”.
Trong cuộc họp báo ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Trump cho rằng chính việc Tổng thống Biden ủng hộ nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine đã khiến xung đột với Nga nổ ra.
Ông Trump cho biết ông thông cảm với lập trường của Moscow rằng Ukraine không nên là một phần của NATO, đồng thời lấy làm tiếc khi chưa gặp được Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi nhậm chức.
Đặc phái viên Kellogg cho biết ông đặt mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Nga – Ukraine trong vòng 100 ngày đầu nhiệm sở của ông Trump.
Ông Kellogg nhấn mạnh, cả ông và Tổng thống đắc cử đều nhận thức được rằng họ có rất ít thời gian để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.
Ông Kellogg tin ông Trump sẽ có thể đề xuất một giải pháp có thể chấp nhận được với cả Nga và Ukraine “trong thời gian tới”.
Trước đó, ông Kellogg dự định thăm cả Nga và Ukraine để lắng nghe quan điểm của 2 bên. Chuyến thăm Kiev dự kiến diễn ra vào tháng 1, nhưng đã bị hoãn lại.
Bình luận của ông Kellogg được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ kết thúc trong vòng 6 tháng tới. “Tôi hy vọng sẽ cần 6 tháng”, ông Trump nói.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần khẳng định có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Đội ngũ của ông cũng dần hé lộ về kế hoạch giải quyết xung đột.
Đặc phái viên Kellogg hồi tháng 4/2024 đưa ra kế hoạch kêu gọi cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” đối với cuộc chiến Nga – Ukraine. Theo ông, Mỹ nên tham gia vào một cuộc đàm phán nhằm giúp các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.
Kế hoạch đề xuất Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không.
Kế hoạch cũng cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập liên minh để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance hồi tháng 9/2024 tiết lộ, ông Trump sẽ bắt đầu đàm phán với cả lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu.
Kế hoạch của ông Vance gợi ý Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát một phần gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Các nước châu Âu có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực phi quân sự Nga – Ukraine, song Mỹ sẽ không tham gia sứ mệnh đó.
Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev đều không ủng hộ kế hoạch trên. Nga cho rằng đề xuất giải quyết xung đột Ukraine từ đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mơ hồ và không hấp dẫn đối với Moscow.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-biden-mac-sai-lam-khi-khong-dam-phan-voi-ong-putin-20250109122408176.htm