(LĐXH) – Nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo đã phát triển sinh kế và chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Các hộ thoát nghèo muốn nhường lại sự quan tâm, hỗ trợ cho những hộ còn khó khăn hơn… Câu chuyện quyết thắng “giặc nghèo” của chính các hộ nghèo là nguồn năng lượng mới truyền đến mọi người sự lạc quan, ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Có sức khỏe, có đất đai không thể mãi nghèo…
Bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) có 57 hộ dân với 203 nhân khẩu. Đồng bào nơi đây chủ yếu là người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt. Bao đời nay, bà con sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào núi rừng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Trước năm 2020, tất cả hộ dân trong bản đều thuộc hộ nghèo.
Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Trần Nhân Sơn cho biết, người dân luôn có ý thức phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Vì thế khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia bền vững, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo như: Bảo hiểm y tế, tiền điện, hỗ trợ học phí cho con hộ nghèo…. chính quyền các cấp tích cực đào tạo nghề, hướng nghiệp để kết nối tìm kiếm việc làm cho người lao động; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ các mô hình phát triển sinh kế; hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa…
Đến nay, cả bản Cà Xen có hàng chục lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp với mức thu nhập 8 – 10 triệu đồng/người/tháng. Cả bản có 4,6ha đất trồng lúa nước hai vụ, bảo đảm cung cấp đủ lương thực; ngoài ra, bà con trồng ngô, lạc, sắn, khoai, các loại rau màu; gần 20ha rừng trồng và chăn nuôi gia súc gia cầm… Nhờ đó, kinh tế của người dân bản Cà Xen ngày càng đi lên.
Đến cuối năm 2022, gia đình anh Hồ Xuân và Cao Thông tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Họ tiên phong xin thoát khỏi hộ nghèo vì thấy bản thân có sức khỏe, đất đai nên không muốn trông chờ, ỷ lại Nhà nước mà muốn tự lực vươn lên phát triển kinh tế.
Một năm sau, gia đình anh Hồ Bợt, Hồ Chí Thành cũng tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, cả bản Cà Xen đã có 8 người dân viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Anh Hồ Xuân tâm sự: “Vợ chồng tôi có sức khỏe, có đất, có rừng… lại là đảng viên nên phải cố gắng làm ăn mà thoát nghèo chứ không thể trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước mãi. Hiện nay, một số hộ có kinh tế khá, chúng tôi đang vận động các hộ này xin ra khỏi hộ nghèo”.
Gia đình anh Đào Văn Sùng, dân tộc Mông ở thôn 1 Thống Nhất là một trong những hộ viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở xã Yên Phú (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang). Gia đình anh Sùng thuộc diện hộ nghèo từ năm 2013 và đã được hưởng khá nhiều chính sách, hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình anh. “Nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, cho không của Nhà nước thì mãi nghèo. Còn tư tưởng ỷ lại thì nghèo từ đời này sang đời khác. Vì thế, vợ chồng tôi quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo và kiếm việc làm phù hợp để có thu nhập”, anh Sùng chia sẻ.
Nói là làm, năm 2023, anh Sùng nộp đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và đăng ký học nghề thợ xây. Có sức khỏe, nay lại có thêm tay nghề, anh Sùng có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định 200.000 đồng/ngày.
Cùng với làm đồi nương, nuôi gà, lợn… cuộc sống gia đình anh ngày càng khá hơn trước. “Có kinh tế ổn định rồi thì mình mới tính chuyện xa hơn được. Thế nên phải xin ra khỏi hộ nghèo mới có ý chí quyết tâm làm giàu”, anh Sùng nói.
“Mang danh hộ nghèo nhiều năm xấu hổ lắm”
Để thoát nghèo, bản thân mỗi người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, không còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, tạo thu nhập cho gia đình. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Thống Nhất, xã Thường Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) sau nhiều năm trong danh sách hộ nghèo, năm 2023, đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Chị Hoa cho biết, cuộc sống gia đình trước đây rất khó khăn vì chồng đau ốm thường xuyên phải đi viện điều trị rất tốn kém, không có khả năng lao động; hai con còn nhỏ. Dù khó khăn chồng chất nhưng chị luôn cố gắng thoát nghèo. Cùng với cấy lúa, trồng rau màu, chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò về nuôi.
Nhờ đó, kinh tế dần ổn hơn, chị dành dụm được một khoản để xây căn nhà cấp 4, có điều kiện lo cho các con ăn học. “Gia đình tôi đã nhận được nhiều hỗ trợ của Nhà nước: Có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, con được miễn học phí, được hỗ trợ tiền điện, vay vốn ưu đãi… nên đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Khi kinh tế đã khá hơn, tôi chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo”, chị Hoa chia sẻ.
Những năm trước, gia đình ông Phan Văn Liều (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, Mường Lát, Thanh Hóa) cũng như 26 hộ ở bản Suối Tút quanh năm đói nghèo. Mấy năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, ông Liều đã tìm cách thoát nghèo. Ông trồng cam, chăn nuôi lợn, bò, dê và động viên con trai đi Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng.
Nhờ đó, gia đình có thu nhập ổn định. Năm 2023, ông tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trong đơn ông viết: “Được cán bộ tuyên truyền, gia đình đã biết trồng trọt, chăn nuôi và đã có thu nhập. Con cái cũng đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Vợ chồng tôi xin ra khỏi hộ nghèo để nhường các chính sách đó cho những gia đình khác còn khó khăn hơn”.
Ông Liều cho biết: “Nhìn các gia đình khác trong bản có điều kiện kinh tế trong khi mình mang danh mãi là hộ nghèo cũng xấu hổ lắm. Cũng chẳng ai mong mình cứ mãi nghèo để nhận trợ giúp của Nhà nước trong khi còn có thể cố gắng vươn lên. Thế là gia đình quyết tâm thoát nghèo bằng được”.
Tết năm nay, gia đình ông có nhà mới đẹp nhất bản. Số tiền có được để xây nhà là từ bán cam, bán bò và tiền lương của con đi làm việc ở nước ngoài gửi về…
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 4
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/chuyen-ve-nhung-la-don-xin-ra-khoi-ho-ngheo-20250109121504904.htm