Quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào đạt bước tiến lớn với các dự án Bauxit, thủy điện, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường quan hệ song phương.
Từ ngày 9-10/1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào.
Thúc đẩy kết nối hợp tác từ khai khoáng và năng lượng
Nhân dịp này, chiều 9/1, hai Thủ tướng đã đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào. Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam Phet Phomphiphak cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và nhiều Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào và định hướng năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Lào – cho biết, Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng”.
Đây là sự kiện quan trọng để chúng ta cùng nhau tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác đầu tư năm 2024 và bàn giải pháp thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2025 vừa được Chính phủ hai nước thông qua sáng nay.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phương Minh Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đã có bài phát biểu chia sẻ tầm nhìn về triển khai Dự án Tổ hợp khai thác, chế biến bauxit tại Lào, khẳng định cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát triển bền vững và gắn kết quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào.
Bà Phương Minh Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyên Minh |
Bà Phương Minh Huệ cho biết, trong các hoạt động đầu tư của Tập đoàn Việt Phương tại Lào, đáng chú ý nhất là Dự án xây dựng trụ sở chính quyền Thủ đô Vientiane và Dự án khai thác và chế biến Bauxit để sản xuất Alumin và phát triển các nguồn năng lượng tại Lào.
Theo đó, trong năm 2024, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của Lãnh đạo Chính phủ hai nước và đặc biệt là hai Thủ tướng Chính phủ mà những dự án Bauxit và năng lượng của Việt Phương đã có những chuyển biến vượt bậc: Đối với dự án khai thác, chế biến Bauxit là hoàn thành toàn bộ Phụ lục hợp đồng điều chỉnh cho công suất 1 triệu tấn/năm sản xuất Alumin; hoàn thành việc mua 100% cổ phần của Công ty Lào Sản-xay từ Công ty Ri-o-tin-to (Úc) để hợp nhất phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, các điều chỉnh hợp đồng đã được thực hiện để nâng công suất sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế và chiến lược phát triển của Lào trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và nhiều Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước tham dự hội nghị. Ảnh: Nguyên Minh |
Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Việt Phương cũng đang triển khai 5 dự án thủy điện tại huyện Ka-lưm, tỉnh Sekong, với tổng công suất 180 MW. Đây là bước đi quan trọng trong việc tận dụng nguồn tài nguyên nước phong phú của Lào, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ cho quốc gia này mà còn mở rộng xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Các dự án thủy điện được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho Lào thông qua hợp tác thương mại điện năng. Việc phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo còn tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cam kết trách nhiệm xã hội, thúc đẩy hợp tác bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương cũng khẳng định luôn ý thức được rằng việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý của các dự án này là khâu quan trọng để có đủ căn cứ pháp lý cho việc triển khai các dự án này nhưng mới là điểm khởi đầu của quá trình triển khai dự án. Các công việc tiếp theo còn rất nhiều từ việc mời thầu EPC, chấm thầu EPC, huy động vốn, lựa chọn nhà thầu, triển khai xây dựng nhà máy, tuyển chọn và đào tạo lao động… và vận hành thương mại các dự án.
Đây là những công việc đòi hỏi Việt Phương phải rất nỗ lực và cũng rất mong Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương hai nước tiếp tục đồng hành cùng công ty để biến tiềm năng phát triển của đất nước Lào trở thành nguồn lực phát triển; hiện thực hóa lợi ích mang lại từ các dự án cho Chính phủ Lào và Tập đoàn Việt Phương.
Về phần mình, Tập đoàn Việt Phương cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai, rút ngắn tối đa thời gian để đến quý II/2028 Nhà máy Alumin sẽ đi vào vận hành thương mại và đến quý II/2029 các dự án thủy điện sẽ phát điện thương mại. Đây là những mục tiêu quan trọng, khẳng định quyết tâm của tập đoàn trong việc hiện thực hóa tiềm năng phát triển của Lào. Cùng với đó, việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và giai đoạn chuẩn bị của dự án chỉ là bước khởi đầu. Các nhiệm vụ tiếp theo, bao gồm mời thầu EPC, chấm thầu, huy động vốn, lựa chọn nhà thầu, xây dựng nhà máy, tuyển dụng và đào tạo lao động, đều là những thử thách lớn đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ tập đoàn.
Song song với quá trình hợp tác đầu tư, ngày 27/12/2024, sau gần một năm thi công, Tập đoàn Việt Phương đã khánh thành và bàn giao Khu liên hợp thể thao huyện Dakchung, tỉnh Sekong, với tổng giá trị hơn 1 triệu USD. Đây là công trình trọng điểm, chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Dakchung và tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Sekong. Công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – thể thao cho người dân địa phương mà còn trở thành biểu tượng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Lào. Lãnh đạo tỉnh Sekong, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng các cơ quan chức năng đã đánh giá cao đóng góp của Tập đoàn Việt Phương, đồng thời ghi nhận qua nhiều bằng khen, thư khen từ Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành tại Lào.
Bà Phương Minh Huệ nhấn mạnh: “Bên cạnh việc đầu tư kinh doanh, Tập đoàn Việt Phương chú trọng các hoạt động trách nhiệm xã hội, coi đây là nền tảng để xây dựng mối quan hệ bền vững tại địa phương”.
Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương cũng khẳng định, tập đoàn sẽ luôn đặt mục tiêu chuyển đổi tiềm năng thiên nhiên phong phú của Lào thành các nguồn lực phát triển kinh tế hiệu quả. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, tập đoàn cam kết không ngừng nâng cao giá trị gia tăng từ các dự án đầu tư.
Toàn cảnh Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào. Ảnh: Nguyên Minh |
Trong thời gian tới, để các dự án đạt hiệu quả cao nhất, đại diện Tập đoàn Việt Phương kiến nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền hai nước. Các dự án lớn như bauxit và thủy điện đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía chính quyền trong việc cấp phép, phê duyệt và rà soát các điều khoản hợp đồng. Đây là nền tảng quan trọng để đảm bảo tiến độ và tính minh bạch của dự án.
Về hỗ trợ huy động vốn, các dự án với quy mô hàng trăm triệu USD cần nguồn vốn lớn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vốn vay quốc tế. Việc đảm bảo các cơ chế tài chính phù hợp là yếu tố quan trọng để dự án có thể triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án, cần có các chương trình đào tạo chuyên biệt, nâng cao kỹ năng lao động tại chỗ và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào đã tạo tiền đề quan trọng để hai nước phát huy tiềm năng hợp tác kinh tế, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào, từ ngày 9-10/1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone. Đi cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng trong Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập về kinh tế quốc tế, Văn phòng Bộ, Báo Công Thương… Năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam – Lào ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng gần 34% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra trước đó, là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của cả hai nước. |
Nguồn: https://congthuong.vn/chu-tich-tap-doan-viet-phuong-hop-tac-nang-luong-thuc-day-kinh-te-lao-phat-trien-ben-vung-368802.html