Gạo nếp được cho là nguồn lương thực tinh bột đầu tiên của người Việt Nam, ở lúc những vị tổ tiên của dân tộc bắt đầu bước vào kỷ nguyên văn hóa nông nghiệp trồng trọt cấy gặt thời ba, bốn nghìn năm trước.
Phải chăng vì thế, đó là lý do mà cứ đến những dịp giỗ – Tết, tưởng nhớ, nguyện cầu và tôn vinh những giá trị cội nguồn của những bậc tiền bối xa xưa, gạo nếp chứ không phải gạo tẻ, luôn là nguyên liệu để chế biến, làm thức cúng lễ của người Việt Nam.
Những đĩa xôi nếp óng ả, tinh khôi được trịnh trọng đặt trên các bàn thờ cùng khói hương thơm ngát để rồi sau đó được hạ xuống các mâm cơm, bàn tiệc, đã qua suốt mấy nghìn năm đón Tết và cúng giỗ của người Việt Nam.
Phương pháp dùng gạo nếp để làm bánh cũng được truyền tụng có từ thời các Vua Hùng bắt đầu dựng nước. Những chiếc bánh bằng gạo nếp đầu tiên của văn hóa Việt cổ đã có tiền đề, sự gợi ý về hai phương diện tối thiết: “Tạo hình” và “Bao gói”, từ việc người xưa dùng các ống tre nứa đựng gạo nếp trộn xâm xấp nước rồi “lam” (làm chín bằng sức nóng) thành những thanh “cơm lam” hình trụ tròn, thơm thảo, ngon lành. Cho nên, dùng lá cây để gói gạo nếp thành những chiếc bánh hình trụ tròn, rồi “chưng” (luộc) thành bánh, chính là cách thức để làm nên những chiếc bánh cổ truyền dân tộc của người xưa.
Vì, lá cây bạt ngàn trong môi trường thiên nhiên nhiệt đới và á nhiệt đới luôn là những người bạn hào phóng, thân thiết quen thuộc của đời sống nhà nông. Còn, hình trụ tròn, thì suốt ba, bốn nghìn năm nay, luôn được tín ngưỡng phồn thực trong đời sống tâm linh của những cư dân – chủ nhân các nền văn minh nông nghiệp cổ sơ – nhận diện được sự đồng dạng với vật truyền giống để sinh tồn, sinh sôi của người đàn ông, nên đã lựa chọn để làm cho thăng hoa, thiêng hóa thành biểu tượng, thực hành luôn các nghi thức tôn thờ, trong phạm trù của loại hình tín ngưỡng này.
Những chiếc bánh hình trụ tròn, được gói lá mà ngôn ngữ miền Bắc nước Việt gọi là “bánh Tày” (bánh có hai đầu “tày”, bánh hình cái “chày”, bánh của “người Tày”), và miền Nam gọi là “bánh Tét” (bánh của và cho ngày Tết), đã ra đời trong bối cảnh đó và từ đây, trở thành vật chứng của đặc trưng khá tiêu biểu, thú vị của văn hóa Việt Nam. Trong khi, ở các vùng miền văn minh – văn hóa Ấn Độ giáo, như Chân Lạp, Chăm Pa… chẳng hạn, người ta dùng mỹ thuật – điêu khắc đá để biểu thị và sùng kính “vật giống” của người đàn ông, biến nó thành những chiếc “Linga” uy nghi, cường tráng, thì ở Việt Nam, những cư dân của tín ngưỡng phồn thực, đã thể hiện nó thông qua… thức ăn, thành… những chiếc bánh ngon lành và “chắc bụng”!
Tạp chí Heritage